Góp phần quảng bá đặc sản địa phương

Thứ năm - 28/11/2024 15:11
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - UBND huyện Vĩnh Cửu đang xây dựng những giải pháp nhằm quảng bá những giá trị nông nghiệp, văn hóa địa phương đến với du khách. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.

Du khách chụp hình lưu niệm tại vườn bưởi của nông dân làng bưởi Tân Triều
Du khách chụp hình lưu niệm tại vườn bưởi của nông dân làng bưởi Tân Triều

Bên cạnh phối hợp với sở, ngành và đơn vị tư vấn xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu cho nông dân, huyện Vĩnh Cửu còn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương và tham gia các sự kiện du lịch, ẩm thực trong và ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Cửu cho biết, huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội “Hương Bưởi Tân Triều” năm 2025. Lễ hội sẽ góp phần bảo vệ và phát huy thương hiệu bưởi Tân Triều của người nông dân. Đây là dịp để duy trì, phát triển nét văn hóa truyền thống, đẩy mạnh hoạt động kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương với du khách trong và ngoài nước.

Chị Nguyễn Minh Như, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu tiên đến Tân Triều thấy được sự phát triển của làng quê nhưng vẫn đan xen với nét truyền thống. Du khách được tiếp xúc trực tiếp với người dân. Du khách được ăn đồ ăn người dân chuẩn bị được trò chuyện với cụ nông dân trăm tuổi già nhất làng bưởi là những trải nghiệm rất đáng nhớ với mỗi du khách. “Tôi mong rằng du lịch Tân Triều ngày càng phát triển và trở thành điểm đến đặc trưng nổi tiếng của người dân Đồng Nai”- Chị Như chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị chuyên tư vấn xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng địa phương cho biết, khi đến với làng bưởi Tân Triều, du khách cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân, đó là một trong những tình cảm cũng như chất liệu về mặt nghệ thuật đón tiếp và kỹ năng đón tiếp phù hợp trong triển khai các hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn.

Theo ông Minh, khi đến với làng bưởi, du khách khá ngỡ ngàng với cách thức mà người nông dân lao động và dùng trí tuệ của mình để có thể tạo nên những vườn bưởi xanh tươi, theo định hướng sạch, hữu cơ. Đó là những chất liệu để người tiêu dùng an tâm khi sử dụng dòng sản phẩm bưởi Tân Triều. Cảnh quan hữu tình, người dân nồng hậu chính là cơ sở để Tân Triều có thể hình thành nên những sản phẩm du lịch gây thương nhớ cho du khách tại Làng bưởi Tân Triều.

Điểm khác biệt của vườn bưởi Tân Triều với những nơi khác là sự gắn liền với hệ sinh thái cây trồng lâu năm. Trong đó có những vườn bưởi cổ như vườn bưởi của nông dân Năm Huệ với việc thu thập gần 10 loại giống bưởi cổ khác nhau. Nơi đây như một trung tâm bảo tồn những loại gen về bưởi, nghĩa là trong ý thức của người dân đã có cách thức gìn giữ những kiểu gen truyền thống.

Sự khác biệt thứ hai là khi kết nối du khách về với Tân Triều, chúng tôi phát hiện ra không gian văn hóa dòng họ. Ngoài văn hóa nông thôn thì văn hóa dòng họ cũng rất thú vị, được tổ chức theo cấu kết của người Nam Bộ thì nó có đặc trưng rất riêng so với văn hóa dòng họ ở khắp nơi trên đất nước. Ở Tân Triều cũng có hệ thống sông nước gần sát bên, đây cũng là yếu tố để có thể tính đến bài toán xa hơn là kết nối, phát triển những tour du lịch trên sông, du khách có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn hơn, thú vị hơn.

Trong tương lai, Đồng Nai có một sân bay quốc tế Long Thành, đây là cơ hội mới để du lịch Đồng Nai có thể cất cánh, trong đó kỳ vọng đón khách quốc tế. Thời gian tới dự kiến sẽ tăng các trải nghiệm, đơn vị tư vấn đang cố gắng có những kết nối tốt hơn để làm sao cho những trải nghiệm của du khách là những trải nghiệm gần gũi nhất, đặc sắc nhât, nó có thể hay hơn những điểm khác ở nét văn hóa hàng ngày diễn ra rất mộc mạc và tự nhiên. Vấn đề là phải sắp xếp lại làm sao để mộc nhưng không thô mà phải tinh hoa và chất lượng.

Theo Tiến sĩ Dương Đức Minh, Tân Triều đang hướng đến chuyển đổi xanh trong sản xuất, hướng đến ngành du lịch xanh, đây là hướng phát triển kinh tế bền vững, đòi hỏi nông dân, chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan khác phải có sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm.

Tác giả: Nam Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây