(CTT-Đồng Nai) - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai hiện có 12 đại biểu (ĐB), bao gồm 6 ĐB ở Trung ương và 6 ĐB ở địa phương.
Ở từng vai trò, lĩnh vực của mình, các ĐBQH đều nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, đưa hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng sôi nổi, hiệu quả, được cử tri đánh giá cao.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường và đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trò chuyện với cử tri H.Cẩm Mỹ tại một hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường và đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trò chuyện với cử tri H.Cẩm Mỹ tại một hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV
Phát huy vai trò “cầu nối”
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống chia sẻ, một trong những kết quả nổi bật trong năm nay của Đoàn ĐBQH tỉnh là đã triển khai nhiều hoạt động giám sát. Đặc biệt, ngoài giám sát chung theo chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn còn chủ động tổ chức các cuộc giám sát xuất phát từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, hay xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
ĐB Bùi Xuân Thống cho hay, trước khi tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐB luôn có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ càng. Quốc hội có gần 500 ĐB, do thời gian có hạn, tại các phiên họp toàn thể, không thể đủ thời gian cho tất cả ĐB cùng phát biểu ý kiến. Vì vậy, ngoài việc tích cực đăng ký tham gia phát biểu tại hội trường, các ĐBQH tỉnh còn tích cực đóng góp ý kiến sâu tại các buổi thảo luận, phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà ĐB là thành viên... Bằng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau, các ĐBQH tỉnh không chỉ tham gia bàn sâu về những dự án luật được trình, mà còn mạnh dạn, thẳng thắn, tâm huyết đề xuất thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh.
Chia sẻ về vai trò chuyên trách của mình, ĐB Bùi Xuân Thống cho biết thêm, là ĐBQH chuyên trách, nhất là ĐB chuyên trách địa phương, bản thân ông có những thuận lợi nhưng cũng có nhiều áp lực. Thuận lợi là am hiểu được tình hình địa phương, từ đó có thể tham mưu, xây dựng chương trình hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh phù hợp với tình hình hoạt động của địa phương. Nhưng áp lực là ĐB chuyên trách phải tham mưu cho Trưởng đoàn điều hòa hoạt động của các ĐB trong Đoàn, điều hòa hoạt động giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với các cơ quan của Quốc hội, trong phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh là ĐB kiêm nhiệm, phải nỗ lực rất lớn trong việc sắp xếp công việc chuyên môn để làm tròn một lúc nhiều vai.
ĐB Như Ý cho hay: “Năm 2023 diễn ra sự kiện đại hội Công đoàn các cấp. Do vậy, khối lượng công việc và yêu cầu về mặt tiến độ cao hơn rất nhiều. Song nhờ có sắp xếp khoa học, kỹ lưỡng trong lịch công tác và xây dựng được khối đoàn kết trong toàn cơ quan đã tạo nên được sức mạnh giúp Liên đoàn Lao động tỉnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Kết quả hoạt động năm 2023 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung đều được Tỉnh ủy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá rất cao”.
Tích cực đóng góp ý kiến vì sự phát triển của tỉnh
ĐB Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh trọng điểm về kinh tế, đang được đầu tư rất lớn về hạ tầng. Từ đó, đòi hỏi không chỉ có cấp ủy, chính quyền địa phương mà Đoàn ĐBQH, mỗi ĐBQH Đồng Nai phải nỗ lực đóng góp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cũng như thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
“Điều quan trọng nhất là khi bàn thảo, đề xuất giải pháp về vấn đề nào đó, phải nắm rất chắc thông tin, phải lắng nghe đa chiều, chứ không phải chỉ một chiều. Từ đó, phân tích kỹ dưới mọi góc độ, từ chính sách, pháp luật, cả thực tiễn để nghiên cứu đi đến đề xuất một giải pháp tối ưu nhất” - ĐB Long chia sẻ kinh nghiệm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, các ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục bám sát thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để đóng góp xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện; quyết định những vấn đề lớn của đất nước phù hợp, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; thực hiện tốt chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với những vấn đề bức xúc, dễ xảy ra sai sót và kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục… Qua đó phát huy hơn nữa vai trò là người đại diện của cử tri, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri.