Nhiều vấn đề nóng của giáo dục đại học được bàn thảo

Thứ tư - 16/08/2023 15:02
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học trên cả nước. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Đây là lần đầu tiên hoạt động này được tổ chức. Thông qua đó, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận được nhiều ý kiến, phản ánh, tâm tư, nguyện vọng. Điều này giúp ích rất nhiều cho Bộ GD-ĐT trong công tác quản lý, điều hành và hoàn thiện chính sách; đồng thời động viên, chia sẻ với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tham gia buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học trên cả nước
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tham gia buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học trên cả nước

Cuộc gặp mặt đặc biệt
Để chuẩn bị cho buổi gặp mặt đặc biệt này, trong tháng 6 và tháng 7-2023, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận ý kiến của cán bộ, giảng viên các Trường đại học thông qua công cụ trực tuyến Google form và một số kênh khác. Qua đó, Ban Tổ chức nhận được hơn 200 ý kiến, câu hỏi, thư trao đổi của thầy cô gửi về. Trong đó, ý kiến của giảng viên là 144 giảng viên chiếm tỷ lệ 62,0%; nhân viên trường học là 51 chiếm 22,2%, còn lại là cán bộ quản lý. Ngoài ra, cá nhân Bộ trưởng cũng nhận được hàng chục ý kiến qua email, tin nhắn bày tỏ quan tâm, chia sẻ; cả ý kiến mang tính chất vấn, kiến nghị.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng vì lần đầu tiên được gặp gỡ, trao đổi rộng rãi với các giảng viên, nhà khoa học công tác tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, cả khối công và ngoài công lập.

Bộ trưởng hy vọng, qua buổi gặp mặt này, cả hai phía: Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhà giáo, nhà khoa học có thể trao đổi thẳng thắn, bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề cùng quan tâm; những vấn đề nóng của ngành; những vấn đề vướng, khó của ngành, của các cơ sở giáo dục ĐH; hoạt động nhà giáo trong cơ sở giáo dục ĐH.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các thầy cô còn nêu vấn đề, còn trao đổi, còn hỏi là còn đáng mừng. “Sợ nhất là sĩ phu ngoảnh mặt với vấn đề của quốc gia, vấn đề giáo dục. Xin sẵn sàng đón nhận ý kiến, sự quan tâm, tầm nhìn, trí tuệ của các thầy cô”, Bộ trưởng chia sẻ.
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng phát biểu tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng phát biểu tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT

Hơn 200 ý kiến gửi đến Bộ GD-ĐT
Rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc triển khai tự chủ hiện nay ở các trường đại học đã tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo cố gắng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, tính chịu trách nhiệm của các nhà trường.

Liên quan đến việc tạm dừng tăng học phí sinh viên đại học, các ý kiến bày tỏ trách nhiệm xã hội của các trường đại học, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên. Tuy nhiên, việc không tăng học phí nhưng vẫn tăng lương cơ bản theo lộ trình, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay, trong tương quan chung với khối ngoài công lập, với các trường cùng khối ngành trong khu vực và trên thế giới... đã làm cho các trường gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.

Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.

Cụ thể, trong nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo dục đại học: Số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác. Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều…

Bên cạnh đó, các ý kiến bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học. Đề nghị sửa đổi một số điểm của Thông tư 08 về tính chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở giống như tính phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn nhằm động viên cán bộ công đoàn trong các trường học.

Một số ý kiến nêu vấn đề không nên dùng điểm học bạ xét tuyển đại học, cao đẳng vì không đảm bảo chất lượng; tỷ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành được đào tạo cao - đề nghị Bộ trưởng quan tâm và có giải pháp; có hướng dẫn cụ thể đối với công tác NCKH… và mong muốn Bộ có giải pháp về các vấn đề này để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng bày tỏ, Trường Đại học Lạc Hồng hiện đang có 12 ngành đạt kiểm định chất lượng quốc tế (10 ngành đạt AUN-QA, 2 ngành đạt ABET). Lộ trình đến 2026, 100% các ngành ở trình độ đại học sẽ đạt kiểm định chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, cứ 5 năm lại phải tái đánh giá một lần. Điều này tạo ra nhiều áp lực với nhà trường, giảng viên.

Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT rất khích lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, khen thưởng các giảng viên có bài báo xuất bản trên các tạp chí uy tín của thế giới. Tuy nhiên, chính sách này không được áp dụng cho các trường đại học tư thục. Mong Bộ trưởng quan tâm thêm để khích lệ tinh thần của giảng viên các trường tư thục khi tham gia nghiên cứu khoa học.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây