Chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp

Thứ tư - 16/08/2023 18:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Sáng ngày 16-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo tại hội nghị

Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh có 22 dự án/kế hoạch liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 HTX, 921 trang trại và hộ nông dân với quy mô hơn 1,3 ngàn ha và trên 866 ngàn con gà. Tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ các dự án hơn 63,8 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được trên 10 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ giống, vật tư qua dịch vụ tập trung của HTX; hỗ trợ vật tư hệ thống tưới; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Chủ yếu các chuỗi liên kết được phê duyệt hỗ trợ thực hiện theo hình thức “Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Tính đến hết tháng 7 năm 2023, toàn tỉnh hiện có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu trọng tâm đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết đạt tối thiểu 50% giá trị sản lượng sản phẩm toàn ngành; phê duyệt hỗ trợ 84 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung vào các nội dung chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết; khó khăn trong thu hút HTX, nhà đầu tư tham gia chuỗi liên kết; một số chuỗi liên kết vẫn thiếu tính bền vững; cần quan tâm công tác đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo HTX; những giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững…

Đại biểu góp ý tại hội nghị
Đại biểu góp ý tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, việc triển khai hiệu quả Nghị định 98 và Nghị quyết 143 cho thấy từ các cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, HTX, nông dân đều phát huy vai trò trong thực hiện. Tiêu biểu là diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng được nhân rộng; có sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu tốt vào thị trường khó tính Nhật Bản… cho thấy hiệu quả của chuỗi liên kết. Tuy nhiên còn một số bất cập như giải ngân vốn còn chậm; liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân dễ đứt gãy.

Thời gian tới cần tập trung các giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, HTX, nông dân nắm rõ hơn trên quan điểm triển khai hiệu quả, nhanh chóng những nội dung trước đây chưa làm hiệu quả. Trong đó muốn lâu dài, bền vững phải tuân thủ hợp đồng, cam kết. Đề nghị Sở NN-PTNT rà soát, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời để công tác giải ngân hiệu quả hơn. Quản lý Nhà nước phải có vai trò tháo gỡ, xử lý những trường hợp không tuân thủ hợp đồng đã ký kết trên tinh thần chia sẻ lợi ích, khó khăn trong quá trình hợp tác. Ngành Công thương quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm trong chuỗi liên kết được quảng bá rộng rãi.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây