Nhiều góp sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản

Thứ ba - 09/04/2024 10:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Vừa qua, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS).
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tại một số tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung thiết thực cho việc sửa đổi, bổ sung tại Điều 56 Luật ĐGTS và thông tư của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai Phan Quang Tuấn phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai Phan Quang Tuấn phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Những hạn chế trong quy định hiện hành
Luật ĐGTS được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17-11-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017. Từ đó đến nay, luật đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục ĐGTS. Luật đã giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá; nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật ĐGTS đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung Điều 56 của luật.

Thông tư số 02 số 02/2022/TT-BTP ngày 8-2-2022 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS được áp dụng hơn 2 năm nay và đã mang lại những kết quả quan trọng như: tạo cơ sở pháp lý cho người có tài sản thực hiện đánh giá, chấm điểm lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS theo quy định của Luật ĐGTS… Tuy nhiên, thông tư hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, nhất là một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu tham gia hội thảo còn góp ý nhiều nội dung thiết thực cho Thông tư 02. Chẳng hạn, quy định về thời hạn thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức ĐGTS trong thời hạn ít nhất 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn là ngắn và gây khó khăn cho tổ chức ĐGTS trong việc tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia lựa chọn. Quy định đối với một số tiêu chí của Thông tư 02 còn phục thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản; quy định về “tài sản đấu giá cùng loại” chưa rõ ràng khiến một bộ phận người có tài sản gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện

Ngoài ra, quy định về việc trừ điểm đối với đấu giá viên và tổ chức ĐGTS bị xử phạt vi phạm hành chính về ĐGTS đối với tất cả các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá là chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo sự bình đẵng giữa các tổ chức tại các địa phương…

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung
Tại hội thảo, Đoàn công tác Cục bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đưa ra 2 phương án cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật ĐGTS. Phương án 1 giữ nguyên quy định như trước đây. Phương án 2 cần bổ sung theo hướng là “Trường hợp tài sản có giá khởi điểm dưới 500 triệu đồng thì người có tài sản xem xét, chỉ định một số tổ chức ĐGTS để thực hiện việc đấu giá mà không cần lựa chọn theo các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 56 của luật này và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn đó”. Theo đó, đa số các đại biểu đều đồng tình với phương án 2 vì phương án này đã đơn giản hóa quy trình lựa chọn tổ chức ĐGTS đối với các loại tài sản có giá trị nhỏ, qua đó cắt giảm các chi phí cho người có tài sản và tổ chức ĐGTS.

Đồng thời, các đại biểu còn góp ý cho Thông tư 02 như: cần xem xét, bổ sung trách nhiệm của các tổ chức đấu giá về tính chính xác, hợp pháp cũng như thông tin hồ sơ, tài liệu để người có tài sản căn cứ thực hiện việc lựa chọn cho phù hợp; xem xét và bố cục lại số điểm cho phù hợp tương xứng với việc tổ chức ĐGTS; cần thu hẹp các hành vi bị trừ điểm, chỉ chọn lọc các hành vi liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm, tính liêm chính và đạo đức hành nghề của tổ chức ĐGTS; không quy định “tài sản cùng loại” hoặc trong trường hợp có quy định nên quy định theo hướng “tài sản cùng loại là tài sản có cùng đặc điểm và chức năng để đơn vị có tài sản dễ thực hiện”…

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, thời gian qua, Bộ tư pháp đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, tổ chức hành nghề ĐGTS, đấu giá viên… Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này có nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại cũng như tìm ra những phương án, giải pháp, quy định mới để nâng cao chất lượng hoạt động ĐGTS cho phù hợp với thực tiễn.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây