Giáo viên, lực lượng đi đầu trong Chương trình 6

Thứ ba - 04/01/2022 15:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Nhiều năm qua, giáo viên luôn là lực lượng đi đầu tham gia Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập (Chương trình 6) của tỉnh. Ngoài “địa hạt” giáo dục, họ còn có nhiều nghiên cứu, sáng tạo ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Những trải nghiệm, kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu này cũng giúp ích nhiều cho giáo viên khi áp dụng vào dạy học, đặc biệt là đối với hình thức dạy học theo dự án, giáo dục STEM…
eeb076dae970232e7a61.jpg
Nhóm giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh nhận giải nhất Chương trình 6 với giải pháp “Dạy học dự án tiếng nói của rừng”
* Đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu khoa học
Chương trình Phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2021 có 491 giải pháp tham gia dự thi, trong đó có 395 giải pháp thuộc lĩnh vực giáo dục. Những giải pháp được trao giải đều thể hiện tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả và khả năng áp dụng thực tế cao. Nhiều giáo viên trở thành “gương mặt thân quen” của chương trình vì liên tiếp có giải pháp dự thi và đoạt giải trong nhiều năm liền. Điều này cho thấy năng lực sáng tạo và sự đầu tư nghiêm túc của giáo viên cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trong Chương trình 6 hàng năm do Sở KH-CN tổ chức, giáo viên luôn là lực lượng tham gia dự thi đông nhất. Không dừng lại ở “địa hạt” giáo dục, nhiều giáo viên còn dự thi ở các lĩnh vực khác như: cơ khí tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin, nông nghiệp… Đa phần những giải pháp sáng tạo này đều được ứng dụng trong thực tế, chủ yếu quy mô hộ gia đình, sử dụng trong chính trường học hoặc ở địa phương.
Chẳng hạn, 2 giáo viên Nguyễn Phi Hùng, Ngô Thạnh Tín (Trường THCS Lý Tự Trọng - TP.Biên Hòa) nghiên cứu về việc ngâm tẩm gỗ cao su với dung dịch nano PEG-600. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng gỗ được nâng lên đáng kể về các mặt: tăng độ cứng tĩnh, tăng độ cứng va đập, giảm độ mài mòn, giảm độ hút nước. Công trình nghiên cứu này đã đề xuất được các bước cơ bản của quy trình công nghệ biến tính gỗ cao su bằng PEG. Với giải pháp này, gỗ cao su được nâng cao chất lượng, có thể thay thế gỗ rừng tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường.
Với những nghiên cứu, sáng tạo và thành quả đạt được, các giáo viên đã chứng minh được năng lực của bản thân. Cùng với đó, họ đã trở thành tấm gương về “học đi đôi với hành” để học sinh noi theo. Mặt khác, kinh nghiệm của quá trình nghiên cứu, sáng tạo cũng được các giáo viên áp dụng để dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Những kinh nghiệm này rất phù hợp để sử dụng trong các hình thức giáo dục: dạy học theo dự án, giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm…
 69bca8f0375afd04a44b.jpg
Cô Ngô Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa)
 là người đã có nhiều giải pháp tham gia dự thi Chương trình 6 trong nhiều năm liền
* Nhiều sáng tạo hữu ích
Thầy Nguyễn Thanh Huy, giáo viên Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) khá chăm chỉ trong nghiên cứu, sáng tạo. Thầy đã có nhiều tìm tòi để dạy học STEM, thiết kế website phục vụ dạy học online. Mới đây nhất, thầy Huy đã nghiên cứu, chế tạo nút SOS cảnh báo khẩn cấp dùng cho người già và trẻ nhỏ. Theo đó, chỉ với 1 chiếc vòng đeo tay có nút SOS, người già và trẻ nhỏ khi gặp sự cố khẩn cấp ở nhà chỉ cần bấm nút, vòng đeo tay sẽ tự động gửi tin nhắn, gọi điện thoại tới những số điện thoại nằm trong danh bạ khẩn cấp đã được cài đặt trước đó. Hệ thống có thể báo liên tục trong 20 phút và tốc độ báo tin tới người thân chỉ trong vòng dưới 30 giây.
Thầy Huy chia sẻ: “Hiện tại, sản phẩm nút SOS thông báo nguy hiểm tới người thân chỉ hoạt động được trong khu vực có Wi-Fi. Trong thời gian tới, tôi và cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để nút SOS có thể hoạt động ở những khu vực không có Wi-Fi, đồng thời thêm một số tính năng như: ghi âm, chụp ảnh vị trí hiện trường. Như vậy, sản phẩm sẽ rất hữu dụng và có thể sử dụng ở mọi nơi, đặc biệt phù hợp cho trẻ nhỏ để đề phòng trường hợp trẻ bị lạc, bắt cóc hoặc gặp tai nạn bất ngờ”.
Thầy Huy đang có ý tưởng khởi nghiệp, thương mại hóa sản phẩm này. Chi phí của 1 vòng tay SOS này có giá rất rẻ, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
Mặc dù trên thị trường hiện nay có nhiều giải pháp tưới tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng cô Lê Thị Hạnh, giáo viên Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho rằng những hệ thống này còn khá phức tạp. Người nông dân cần có những hệ thống tưới tự động thông minh nhưng đơn giản, dễ lắp đặt, dễ sử dụng và dễ sửa chữa. Nếu đáp ứng đủ những yêu cầu trên thì ngay cả học sinh, nông dân cũng có thể tự lắp đặt để sử dụng tưới tiêu cho gia đình.
Từ ý tưởng đó, cô Hạnh đã nghiên cứu, thực hiện giải pháp Hệ thống tưới thông minh, gồm: bộ cài đặt thời gian, cảm biến độ ẩm đất, máy bơm, hệ thống ống và béc tưới. Hệ thống tưới thông minh được quản lý trên điện thoại thông qua phần mềm Smart Life. Cô Hạnh cho biết, hệ thống hoạt động dựa trên những nguyên tắc vật lý đơn giản, nguyên liệu dễ tìm và chi phí thấp nên có tính ứng dụng cao.
Những năm qua, nhiều giáo viên tham gia và đoạt giải trong Chương trình 6 thường xuyên hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh như: thầy Nguyễn Trường Sinh (Trường THCS Hàng Gòn, TP.Long Khánh), thầy Nguyễn Thanh Phương (Trường THPT Thống Nhất A, H.Trảng Bom), cô Hoàng Thị Ngọc (Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh, TP.Biên Hòa)…
Hoàng Giang
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây