Xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm với giá trị kim ngạch lớn đang là động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, theo thời gian, xu hướng tiêu dùng trên thế giới tiếp tục thay đổi, người tiêu dùng các nước ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, ít tạc hại đến môi trường đang là xu thế chủ đạo, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Với ngành sản xuất gỗ, đảm bảo quy tắc nguồn gốc xuất xứ là vấn đề hàng đầu để xuất khẩu qua các thị trường Âu, Mỹ
Thế giới ngày càng coi trọng việc bảo vệ môi trường
Để hàng hóa thâm nhập vào thị trường, nhất là các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng DN Việt Nam Hiện vẫn còn nhiều thách thức. Không chỉ là đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, xu hướng tiêu dùng của người châu Âu, Mỹ cũng như các nước phát triển đang thay đổi nhanh hơn kể từ khi xảy ra dịch bệnh. Người mua hàng ưu tiên chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và bảo đảm lợi ích cho người lao động. Do đó, để xuất khẩu bền vững, DN Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu, áp dụng những chính sách phù hợp, trên cơ sở hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường.
Đơn cử như thị trường với 500 triệu dân của châu Âu có tiềm năng to lớn nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ hiệp định thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật. Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao, tuy nhiên người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. Châu Âu là thị trường không phải dành cho hàng hóa giá rẻ, do vậy các DN cần tìm hiểu thông tin trước khi tìm kiếm cơ hội làm ăn. Có sản phẩm chất lượng và đảm bảo được các yếu tố về lao động, môi trường…sẽ là cơ hội tốt cho DN.
Tương tự, theo bà Vigrinia Foote, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Acham), việc cam kết giảm thải carbon là rất quan trọng cho các công ty bán sản phẩm ra toàn cầu. Thời gian tới, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng là yêu cầu để giảm thiểu sử dụng lượng khí carbon dioxit sử dụng trong công nghiệp. Các công ty cũng phải cân nhắc xem để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu buộc phải có những bằng chứng đảm bảo các yêu cầu này. Tiêu chuẩn về môi trường, tính an toàn và chất lượng sản phẩm là điều rất quan trọng. Thị trường thế giới là một chuỗi cạnh tranh, nếu không nâng cao năng lực và sức cạnh tranh thì DN rất khó có chỗ đứng vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Những điều đó cho thấy, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các DN những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất “hợp pháp” là điều kiện để gia tăng giá trị xuất khẩu
Một trong những ngành có kim nghạch xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như Đồng Nai là gỗ và sản phẩm gỗ. Theo các DN, đối với gỗ xuất khẩu, một trong những yêu cầu tiên quyết để đưa được hàng vào các nước là nguồn gốc sản phẩm phải hợp pháp. Nguyên do là các nước châu Âu, Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam (Mỹ chiếm khoảng 50%) rất coi trọng vấn đề này. Nếu phát hiện vi phạm trong nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu gỗ không hợp pháp, sẽ bị khiếu kiện và trừng phạt thương mại rất cao nên hầu như không có DN nào làm hàng xuất khẩu vi phạm.
Tại Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), các thành viên trong hiệp hội luôn coi trọng gỗ có nguồn gốc xuất xứ. Dowa cũng đã liên kết được 100 DN tham gia hợp tác cùng với nhau, xây dựng thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp. Gỗ nhập từ các khu vực trên thế giới về Đồng Nai cưa xẻ, chế biến đều đảm bảo các giấy tờ kiểm tra theo quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Đối với ngành dệt may, theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với dệt may, quy tắc xuất xứ là “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Do vậy, các DN ngành dệt may cũng đang chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu, không chỉ tới thị trường châu Âu mà còn với các thị trường khác.
Nam Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập