Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

(CTT-Đồng Nai) - Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đang gia tăng khá nhanh. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các địa phương cần tăng cường các giải pháp nhằm phòng bệnh hiệu quả.
Phun thuốc diệt muỗi tại một số nhà dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi tại một số nhà dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Bệnh hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Mỗi người dân có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời, thường lần mắc sau sẽ nặng hơn lần mắc trước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong.

Còn với dịch bệnh tay chân miệng, trong tuần vừa qua đã ghi nhận 93 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 121% so với tuần trước đó và tăng 2 lần so với tuần cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc tăng tại 7/11 huyện, thành phố, nhiều nhất là Biên Hòa, Nhơn Trạch. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 510 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

BS CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, đến nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ rất cao.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10,1 ngàn ca mắc bệnh, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các tỉnh phía Nam chiếm đến 74,1%.

Khẩn trương tiêm bù, tiêm vét vaccine

Cách đây 6 năm, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra đợt dịch bệnh sởi khá nguy hiểm khiến nhiều người mắc. Năm nay, tuy chưa ghi nhận ca mắc sởi nào trên phạm vi toàn tỉnh nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ.

Nguyên nhân là do thời gian qua, nguồn cung vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia bị đứt quãng khiến tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine chưa đạt yêu cầu đề ra. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tiến sĩ Hoàng Minh Đức, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, địa phương nào có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng, triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh đã có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như: sởi, ho gà, bạch hầu.

“Quan trọng nhất là phải tuyên truyền để làm sao người dân hiểu được lợi ích của tiêm chủng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau một thời gian gián đoạn vaccine, nay Bộ Y tế đã có đủ vaccine để cấp cho các địa phương. Các địa phương cần tập trung tiêm bù, tiêm vét đầy đủ cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng” - Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, trong năm 2023, do nguồn cung vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn nên có đến 9/12 chỉ tiêu về tiêm chủng các loại vaccine không đạt. Dự báo trong năm 2024, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành y tế Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2024. Trong đó, đặt ra mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế tử vong, tập trung vào các dịch bệnh đang lưu hành tại địa phương và có tỷ lệ mắc cao như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại, đậu mùa khỉ.

Đồng thời, sẽ nỗ lực để giảm tỷ lệ mắc các bệnh đã có vaccine như: sởi, bạch hầu, ho gà; giữ vững kết quả khống chế bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; tăng cường tiêm chủng đầy đủ đạt >95%. Duy trì các đội đáp ứng nhanh, đội chống dịch cơ động, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất để đáp ứng dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, từ thực tế công tác phòng chống dịch bệnh cho thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn thể người dân là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện mục tiêu giảm số ca mắc và ca tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm.

“Vì sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng, chúng tôi kêu gọi người dân tích cực tham gia vào các hoạt động tổng dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Phụ huynh nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời”- bác sĩ Trung khuyến cáo.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm y tế huyện Long Thành
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm y tế huyện Long Thành
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang