(CTT - Đồng Nai) - Xác định việc đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là phương pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, Tỉnh đoàn thời gian qua đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả và được lãnh đạo các cấp đánh giá rất cao.
Đổi mới tuyên truyền cho phù hợp
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, cùng với các hình thức tuyên truyền, PBGDPL truyền thống, Tỉnh đoàn đã triển khai ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL cho thanh niên, kết hợp các phương thức (trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến) cho phù hợp với từng đối tượng thanh niên, địa bàn tuyên truyền.
Tỉnh đoàn đã tập trung khai thác hiệu quả ưu điểm của CNTT, truyền thông hiện đại, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội (MXH) trong hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật (tập trung các kênh MXH như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube). MXH đã trở thành một kênh thông tin góp phần quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi đối tượng thanh niên. Nhiều hình thức tuyên truyền chính sách pháp luật qua MXH cho thanh niên đã được thực hiện một cách hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt, phá bỏ hoàn toàn sự giới hạn khả năng lan truyền thông tin, vốn là hạn chế của các phương tiện truyền thông truyền thống.
Facebook là kênh MXH được Tỉnh đoàn đặc biệt quan tâm chú trọng, thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền chính sách pháp luật cho thanh niên từ bài viết, hình ảnh thông qua các ấn phẩm tuyên truyền như: poster, infographics, video ngắn, trailer, banner, avatar, khung ảnh, flipbook, bộ nhận diện, đến các hoạt động trực tuyến, cuộc thi trực tuyến giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận, dễ nhớ, dễ hiểu về những thông tin chính sách, pháp luật…

Vừa qua, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) trong đoàn viên, thanh niên, công nhân.
Vừa qua, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) trong đoàn viên, thanh niên, công nhân.
“Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp với các công ty về phần mềm, công nghệ, giải trí để cập nhật những kiến thức liên quan đến phương thức tuyên truyền trên MXH; thành lập nhóm cộng tác viên là những bạn trẻ để cập nhật những xu hướng mới. Tỉnh đoàn còn phối hợp chặt chẽ với các kênh MXH của một số cơ quan, đơn vị để cập nhật những chính sách pháp luật mới, những vấn đề cần trọng tâm tuyên truyền và định hướng kịp thời dư luận trong thanh niên”- anh Kiên cho hay.
Ngoài nội dung đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua các ấn phẩm tuyên truyền, các bài đăng, nội dung tin tức, trên Fanpape, Tỉnh đoàn đã tổ chức tuyên truyền thông qua các tin tức, hoạt động, chuyên đề, chương trình, Talkshow… được livestream, tạo lịch sự kiện nhắc nhở; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tương tác qua các buổi livestream tìm hiểu về các chính sách pháp luật. Đặc biệt đã phát huy vai trò của những người nổi tiếng, người có uy tín, KOL trong các chương trình, để thu hút các bạn trẻ, truyền tải những nội dung tích cực, lan toả những giá trị sống tốt đẹp về gương mẫu thực hiện các chính sách pháp luật.
Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh niên. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Tỉnh đoàn tổ chức Giải thưởng truyền thông các trang MXH tiêu biểu tỉnh Đồng Nai (Dong Nai Social Network Awards) nhằm bước đầu gắn kết các trang MXH trong hệ thống chính trị và MXH cộng đồng, hướng đến góp phần chia sẻ những thông tin chính sách pháp luật chính thống, kịp thời, lan toả những hình ảnh, hành động đẹp, trao đổi những kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình truyền thông trên MXH.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn ra mắt kênh Zalo Mini App vào tháng 9-2024. Đây là một tính năng mới của ứng dụng Zalo đã được Tỉnh đoàn kịp thời nắm bắt, thực hiện. Đối với kênh thông tin này cũng sẽ cung cấp các thông tin về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Đoàn, các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; nhắc lịch hẹn diễn ra các sự kiện, hoạt động; trao đổi, hỏi - đáp thông tin với thanh niên; là một kênh tổng hợp các đầu mối kết nối dẫn đến liên kết các website, các kênh thông tin khác của Tỉnh đoàn (như: fanpage, tiktok, youtube, website học tập lý luận, website thanh niên tình nguyện, website khởi nghiệp thanh niên, website địa chỉ đỏ, ứng dụng Đại hội…).
Phát huy mặt tích cực
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, Tỉnh đoàn cũng một số khó khăn nhất định trong công tác ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Chẳng hạn, điều kiện cơ sở vật chất, dữ liệu, các phần mềm thiết kế sản phẩm truyền thông còn hạn chế. MXH rộng lớn, đa chiều, vận động liên tục nên dẫn đến công tác nắm bắt tình hình có lúc có nơi còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền về chính sách pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật, nội dung dài, nhiều từ ngữ chuyên ngành do đó việc cụ thể hoá, truyền tải có lúc còn khô khan, chưa rõ trọng tâm. Nhân sự, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn không có chuyên trách, chuyên môn riêng về pháp luật, chủ yếu kiêm nhiệm, đa lĩnh vực, chuyên môn, nhiều hoạt động nên việc truyền tải những thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Kiên, để phát huy thế mạnh cũng như ngăn ngừa, khắc phục những mặt tiêu cực của MXH, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật thì điều đầu tiên, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân về những ưu thế và mặt trái của MXH để có phương thức ứng xử phù hợp với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Với những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền làm chủ công nghệ, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh, dự báo những tình huống mới có thể nảy sinh khác với mục tiêu, mong muốn tuyên truyền…
Để nâng cao hiệu quả của công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền, PBGDPL, Tỉnh Đoàn đã đặt ra các phương án, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Theo đó, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành nhằm tổ chức nhiều hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả. Xây dựng, thiết kế các ấn phẩm truyền thông, đa dạng hoá hình thức như: bộ truyện tranh tuyên truyền, biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới, ngắn gọn, ấn tượng để đoàn viên, thanh niên dễ hiểu, quan tâm, nghiên cứu. Tiếp tục triển khai hình thức “sân khấu hoá” bằng Phiên toà giả định trong tuyên truyền, PBGDPL và tổ chức các trò chơi pháp luật. Ứng dụng AI, CNTT hỗ trợ đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật trong thực hiện công tác PBGDPL. Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL trên các nền tảng MXH, bắt kịp xu hướng, thị hiếu của giới trẻ...
“Chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp, đội ngũ báo cáo viên của Đoàn về các kỹ năng liên quan về CNTT, nâng cao kiến thức, nắm vững các quy định pháp luật và có khả năng phân tích vấn đề một cách nhanh chóng để chia sẻ, trao đổi và kịp thời hỗ trợ cho người dân trước những vấn đề dư luận quan tâm”- anh Kiên chia sẻ