(CTT-Đồng Nai) - Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các giải pháp quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Đặc biệt, thời tiết Đồng Nai đang vào đỉnh điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao thì công tác tuyên truyền cần phải đẩy mạnh.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đến thăm hỏi, động viên người dân tham gia trực phòng, chống cháy tại chòi canh
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đến thăm hỏi, động viên người dân tham gia trực phòng, chống cháy tại chòi canh
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng đang triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ, trách nhiệm của nhân dân đối với công tác QLBVR, PCCCR.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Nhiều tháng qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai đã huy động lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ canh giữ rừng, PCCCR suốt 24/24. Ngoài tuần tra, canh gác trong rừng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị còn dành thời gian “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân ký bản cam kết thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR; vận động bà con trong việc sử dụng phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCCCR khi có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai cho biết, dự báo tình hình cây ươi phân bố trên địa bàn có khả năng ra hoa, đậu quả với tỷ lệ cao vào thời gian cao điểm của mùa khô. Quả ươi có giá trị kinh tế cao nên các trường hợp người dân xâm nhập vào rừng trái phép và gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCCCR.
Bên cạnh đó, diện tích rừng do đơn vị quản lý có đường ranh giới dài tiếp giáp với 2 tỉnh: Bình Dương và Bình Phước. Tại khu vực này thường xảy ra các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép. Còn phía Đông và phía Nam của đơn vị tiếp giáp với vùng bán ngập hồ Trị An có chiều dài trên 118 km. Đây là khu vực xung yếu nhất vì mùa khô cây Mai dương khô chết tạo nên lớp thảm mục dày, dễ bắt lửa gây cháy.
Tuy nhiên, đơn vị sớm nắm bắt được tình hình và đã chủ động triển khai lực lượng tuần tra, chốt trực để ngăn chặn các đối tượng ra vào rừng trái phép. Đồng thời, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Cụ thể, thường xuyên xuống địa bàn để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cộng đồng dân cư địa phương những quy định của nhà nước về tác hại của cháy rừng, nghĩa vụ của công dân trong việc PCCCR.
“Chúng tôi có nỗ lực bao nhiêu mà người dân không chung tay góp sức thì công tác QLBVR, PCCCR sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực. Do vậy, chúng tôi đã quán triệt đến đội ngũ cán bộ, nhân viên về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, từ đó mỗi cán bộ, nhân viên của đơn vị đều là những “tuyên truyền viên” tích cực tham gia vào công tác này có hiệu quả”- ông Hảo cho hay.
Vận động người dân tham gia giữ rừng
Theo ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án PCCCR ngay từ đầu mùa khô, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Mỗi cán bộ, nhân viên đều ý thức trách nhiệm về việc thường xuyên xuống địa bàn tiếp xúc với người dân để nhắc nhở, đôn đốc, vận động thực hiện tốt công tác PCCCR. Đơn vị còn phối hợp tuyên truyền trên loa phát thanh ở địa phương về những quy định cơ bản trong lĩnh vực lâm nghiệp cho bà con nắm... Nhờ đó, nhận thức của đa số người dân ngày càng nâng lên và tích cực tham gia vào bảo vệ rừng, PCCCR.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền cho có hiệu quả như: tờ rơi, áp phích và tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động; chuyển tải thông tin, nội dung tuyên truyền trên các nhóm Zalo, Facebook…, tạo sự lan tỏa, chung tay bảo vệ rừng trong cộng đồng người dân vùng đệm.
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) cho rằng, thời tiết mùa khô năm nay rất cực đoan. Chính vì thế, Đồng Nai cần có những giải pháp đặc biệt hơn nhưng năm trước. Để làm được điều này, ngoài việc triển khai các phương án, kế hoạch tuần tra, canh trực thì công tác tuyên truyền vận động người dân là quan trọng nhất.
Nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia tuyền truyền đến nhận thức người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Sở cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong hệ thống ngành lâm nghiệp, các chủ rừng để nâng cao nhận thức các cán bộ, nhân viên, từ đó tạo sự lan tỏa đến người dân.
Hiện nay, ngoài bố trí người trực 24/24 tại các cửa ngõ ra vào rừng để ngăn chặn đối tượng xâm nhập rừng trái phép, lực lượng chức năng còn tập trung đẩy mạnh tuyền truyền đến người dân sinh sống trong và ven lâm phận. Ngoài hình thức tuyên truyền thông thường (tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu…), lực lượng còn đến từng hộ tuyên truyền vận động bà con cam kết thực hiện PCCCR; tuyên truyên việc sử dụng lửa đảm bảo an toàn đối với người dân canh tác nương rẫy nằm xen kẽ trong rừng…