(CTT-Đồng Nai) - Trước thực trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo hành vẫn còn xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Tại diễn đàn: “Vai trò của nữ luật sư trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng xã hội trong giai đoạn hiện nay” do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức vừa qua, đội ngũ luật sư tỉnh đã đề ra nhiều giải ngăn ngừa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng như con cái của họ.

Luật sư Cao Thị Hà Giang (Đoàn Luật sư tỉnh) trao đổi về kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc với nạn nhân bị BLGĐ.
Luật sư Cao Thị Hà Giang (Đoàn Luật sư tỉnh) trao đổi về kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc với nạn nhân bị BLGĐ.
Tại diễn đàn Vai trò của nữ luật sư trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng xã hội trong giai đoạn hiện nay do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức vào ngày 13-10, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai Nguyễn Thị Hồng Điệp bày tỏ, hậu quả của BLGĐ có thể ảnh hưởng vô cùng lớn đến nạn nhân, gia đình và xã hội. Các nạn nhân có thể bị tổn hại về thể chất, tinh thần lẫn tài chính. Bạo lực còn đe dọa sự bền vững của gia đình và ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên trong gia đình, kể cả những trẻ em phải chứng kiến bạo lực và lớn lên trong môi trường xung đột, không hạnh phúc.
Để bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong vấn nạn BLGĐ, luật sư Nguyễn Thị Ngà (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho rằng, nữ luật sư cần phải có kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng nắm bắt tâm lý và tư vấn cho nạn nhân. Làm sao để chị em phụ nữ, bé gái bị BLGĐ kể ra hết những nỗi đau mà họ gánh chịu nhưng vẫn đảm bảo bí mật cho họ về riêng tư, quyền nhân thân trước dư luận xã hội, cộng đồng và người thân thích.
“Đây là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, trái tim đồng cảm, sẻ chia với người bị BLGĐ, luật sư phải góp phần cùng xã hội, cơ quan tố tụng tìm ra sự thật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bạo lực” - luật sư Nguyễn Thị Ngà chia sẻ.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai Lê Quang Y bày tỏ, công tác phòng ngừa BLGĐ đóng vai trò rất quan trọng. Không thể chờ khi có hành vi bị bạo lực xảy ra mới vào can thiệp, hỗ trợ mà phải cùng ngăn ngừa ngay từ đầu thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Làm tốt công tác phòng ngừa không chỉ nâng cao ý thức cho người dân về tích cực đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn BLGĐ, mà còn góp phần cùng xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, bình đẳng giới.
Cũng theo luật sư Lê Quang Y, thời gian qua, Đoàn Luật sư Đồng Nai dành nhiều sự quan tâm tới công tác phòng, chống BLGĐ. Cụ thể, đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện kết hợp tuyên truyền áp dụng Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022; Luật Trẻ em năm 2016; Bộ luật Dân sự năm 2015… Qua đó nhằm giúp người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế hoạch hóa gia đình; phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình và thực hiện nếp sống văn minh, ngăn ngừa BLGĐ ngay từ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Theo các luật sư, nạn nhân của BLGĐ thường có tâm lý nín nhịn, chịu đựng vì sợ nhiều người biết chuyện, kỳ thị…để giúp chị em phụ nữ vượt qua rào cản, trỡ ngại lớn này ngoài các tổ chức bảo vệ phụ nữ, quyền trẻ em thì luật sư còn là điểm tựa để nạn nhân của bạo lực gia đình khi họ có nhu cầu cần được giúp đỡ.
“Với ý thức trách nhiệm xã hội của mình, các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai, nhất là các nữ luật sư luôn sẵn sàng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí với các nạn nhân của BLGĐ. Trường hợp luật sư không thể giúp đỡ sẽ giới thiệu họ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh để được hỗ trợ kịp thời” - luật sư Nguyễn Thị Hồng Điệp bày tỏ.