(CTT-Đồng Nai) - Đây là cách mà nhiều phụ nữ đã và đang thực hiện để khởi nghiệp, phát triển mô hình kinh doanh.

Nhiều hội viên phụ nữ tham gia quảng bá sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo
Nhiều hội viên phụ nữ tham gia quảng bá sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo
Từ sản phẩm mật ong của gia đình, bà Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch Hội LHPN xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) đã mày mò cho ra đời các sản phẩm kết hợp với mật ong để chăm sóc sức khỏe. Bà Đào cho hay, từ các bài thuốc dân gian của người xưa, bà đã lên mạng tìm hiểu thêm về công dụng của các sản phẩm khi kết hợp với mật ong. Từ đó, bà cho ra đời thêm các sản phẩm: gừng mật ong, tỏi mật ong, chanh đào mật ong, dâu tằm mật ong… Ban đầu các sản phẩm này được bà bán qua các đại lý trên cả nước.
Từ năm 2019 sau khi tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được chuyên gia khởi nghiệp tư vấn, bà đã mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên Facebook. Gần đây nhận thấy sự cần thiết của việc bán hàng trực tuyến, bà Đào đã nhờ đồng nghiệp hướng dẫn và đưa sản phẩm mật ong hoa chôm chôm Long Khánh lên sàn thương mại Shopee.
Đối với bà Nguyễn Trọng Nhật Hà, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Nhật Hà (TP.Biên Hòa) hình thức kinh doanh online đã được bà áp dụng từ khi khách hàng chưa quen với hình thức mua hàng online.
Bà Hà cho biết, khoảng năm 2015, thấy internet và mạng xã hội bắt đầu phát triển, nhiều người đã biết sử dụng các nền tảng số, bà Nhật Hà đã lập website: http://www.nhathafoods.com để giới thiệu sản phẩm, đăng kèm hình ảnh, thông tin về nguồn gốc và giá cả sản phẩm… giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn được các sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, bà còn lập thêm trang Facebook Nhat Ha Organic Foods để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người dùng…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái nhận định, nhiều chị em mặc dù còn hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin nhưng cũng đã tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu, từng bước đưa sản phẩm khởi nghiệp của mình lên các nền tảng mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc làm này diễn ra còn chậm, giá trị mang lại vẫn chưa cao.
Vì vậy, Hội LHPN tỉnh xác định nhiệm vụ của hội là đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ để hội viên phụ nữ có thêm kỹ năng khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh số. Tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo cụm miền Đông Nam bộ diễn ra tại TP.Biên Hòa, Hội LHPN tỉnh Đồng Nai - đơn vị Cụm trưởng cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tổ chức diễn đàn Phụ nữ khởi nghiệp với chuyển đổi số (CĐS) và phát triển mô hình kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ.
Thời gian tới, ngoài việc tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh cũng sẽ nghiên cứu phối hợp với các ngành chức năng đào tạo giúp hội viên phụ nữ tiếp cận được các nền tảng CĐS, tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kết nối với doanh nghiệp có nguồn lực lớn để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp.

Hội viên phụ nữ được giới thiệu về mô hình hoạt động của Hợp tác xã Kinh tế xanh Sài Gòn
Hội viên phụ nữ được giới thiệu về mô hình hoạt động của Hợp tác xã Kinh tế xanh Sài Gòn