(CTT-Đồng Nai) - Xã Núi Tượng (H.Tân Phú) có hơn 50% dân các tỉnh miền Tây Nam bộ (gọi tắt người dân miền Tây) như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… sinh sống, lập nghiệp. Người dân miền Tây di cư về địa phương đông nhất vào giai đoạn 1980-1990, do những người đến từ sau năm 1975 đã ổn định cuộc sống nên rủ thêm đồng hương cùng về vùng đất mới lập nghiệp.

Nông dân Năm Nghiệp (ấp 2) cột dây để bảo vệ nhánh sầu riêng khi trái phát triển
Nông dân Năm Nghiệp (ấp 2) cột dây để bảo vệ nhánh sầu riêng khi trái phát triển
Đem trái cây về trồng trên đất đá
Vùng đất đá xã Núi Tượng vốn có truyền thống trồng tiêu, điều cà phê, thuốc lá…Khi các cây trồng này thu nhập giảm sút, người dân địa phương đã cùng nông dân miền Tây tìm hướng chuyển đổi cây trồng.
Trước sức ép về nguồn nước tưới tiêu trong mùa nắng (phụ thuộc vào giếng đào, ao hồ), người dân miền Tây sinh sống ở xã Núi Tượng vẫn kiên trì trồng xen canh nơi rẫy tiêu, điều, cà phê nhiều loại cây ăn trái như: cam, quýt, bưởi, sầu riêng, ổi, xoài, mít… để thử nghiệm. Do thị trường thu mua phụ thuộc vào giá cả thương lái định đoạt, cùng với việc vận chuyển khó khăn vì đường xa nên thời điểm đó cây ăn trái chưa hấp dẫn nông dân xã Núi Tượng.
Nông dân Năm Nghiệp (ngụ ấp 4, xã Núi Tượng, quê tỉnh Tiền Giang) là một trong những người kiên trì chọn cây sầu riêng, bưởi, mít, vú sữa, nhãn, măng cụt để trồng xen trong 2,5 ha cà phê, điều già cỗi. Vào thời điểm năm 2000-2005, cà phê, điều, liên tục bị mất mùa, rớt giá nên vườn cây ăn trái là “cứu cánh” giúp gia đình ông vượt qua khó khăn. Vì vậy, nhiều hộ nông dân trong xã đã tìm ông học cách chuyển đổi cây trồng.
Lúc này ông Năm Nghiệp cùng một số đồng hương mới có dịp trổ tài, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái cho nhiều người dân trong xã. Theo lời ông Năm Nghiệp, ông có thể trồng được cây ăn trái trong chậu để làm cảnh nên việc trồng xen canh trên đất đá cũng không có gì khó. Từ sự tận tình hướng dẫn của các hộ nông dân quê ở miền Tây, nhiều nông dân trồng tiêu, điều, cà phê ở xã Núi Tượng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.
Cùng phủ xanh vùng đất đá
Ấp 2, xã Núi Tượng có khoảng 450 hộ dân, 70% trong số đó có quê ở miền Tây. Gia đình ông Hai Măng (quê tỉnh Bến Tre) về vùng đất này lập nghiệp vào năm 1986. Khu đất 2,5 ha trồng sầu riêng, mít trong vườn của ông hiện vẫn còn những gốc cây gõ kỷ niệm thời kỳ khai hoang, khẩn đất lập nghiệp.
Ông Năm Măng kể, lúc đầu ông thử trồng một ít cây ăn trái trong vườn để ăn. Dù là cây trồng bằng hạt sau đó ghép cành cho nhanh có trái nhưng vẫn cho trái sum xuê nên các nông dân có đất lân cận rất ngưỡng mộ. Năm 2005, ông mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 2,5 ha vườn trồng điều, cà phê, hoa màu sang trồng sầu riêng, mít, nhãn. Lúc ấy thu nhập không cao được như bây giờ nhưng hơn hẳn việc trồng điều, cà phê và cây màu.
Cây sầu riêng ngày càng khẳng định ngôi “vương” trên vùng đất đá xã Núi Tượng với gần 200 ha trong tổng số trên 1 ngàn ha diện tích cây ăn trái các loại tại địa phương. Chính vì vậy, theo chính quyền xã Núi Tượng, tiềm năng đất đai để nông dân địa phương chuyển đổi cây trồng, tăng giá trị sử dụng đất hiện còn rất lớn trong phát triển kinh tế hộ.
Nắng cuối tháng 2-2024 gay gắt hơn cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn không làm cho cây trồng của nông dân xã Núi Tượng mất xanh. Những vườn cây ăn trái như: mít, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa… vẫn tươi tốt dưới những vòi nước phun sương, nhỏ giọt từ hệ thống tưới tiết kiệm.
Nông dân Phùng A Dẫu (dân tộc Hoa, ngụ ấp 3) vừa nhẩn nha ngắm vườn sầu riêng 1,2 ha (7 năm tuổi) đang đậu quả vừa thầm cảm ơn những người hàng xóm đến từ miền Tây đã tư vấn và hỗ trợ ông chuyển đổi tiêu, điều, cà phê sang trồng sầu riêng có giá trị cao hơn, cuộc sống khấm khá hơn.