Tăng giải pháp xử lý nợ thuế từ tiền sử dụng đất trong dân

Thứ hai - 01/07/2024 09:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Đến hết tháng 4-2024, tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý trên địa bàn tỉnh trên 7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế từ tiền sử dụng đất là trên 1,4 ngàn tỷ đồng.

Người dân có thể tra cứu thông tin cá nhân trên phần mềm quản lý thuế
Người dân có thể tra cứu thông tin cá nhân trên phần mềm quản lý thuế

Một số đơn vị chi cục thuế có số nợ thuế từ tiền sử dụng đất trong dân cao nhất thuộc các chi cục thuế khu vực Biên Hòa-Vĩnh Cửu trên 408 tỷ đồng, Long Thành-Nhơn Trạch trên 745 tỷ đồng và Trảng Bom-Thống Nhất trên 210 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ nợ tiền sử dụng đất trong dân đang có xu hướng tăng mạnh. Tình trạng nợ thuế trong dân tăng gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) của địa phương. Trong khi đó, giải pháp xử lý tình trạng nợ thuế trong dân đến nay vẫn còn khá…nan giải, bởi người nộp thuế không phải doanh nghiệp, không sử dụng hóa đơn, không có giấy phép kinh doanh…nên rất khó trong việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế.

Mặc dù cũng có những đơn vị, người nộp thuế trả bớt số tiền nợ nhưng nhìn tổng thể, số dư nợ chung vẫn tăng. Chẳng hạn như, Chi cục thuế khu vực Long Thành-Nhơn Trạch đến cuối năm 2023 số dư nợ thuế trên 700 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 4-2024 tăng lên trên 745 tỷ đồng. Hay như Chi cục thuế khu vực Biên Hòa-Vĩnh Cửu từ trên 391 tỷ đồng tăng lên trên 408 tỷ đồng…

Các chi cục thuế có số dư nợ tiền sử dụng đất tăng cao là do địa bàn quản lý thuộc khu vực đô thị, giá trị đất biến động phức tạp theo thị trường và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người nộp thuế tăng mạnh. Nhiều hồ sơ tiền sử dụng đất trước thời điểm 2013 được xác định cho cá nhân chưa được cấp và quản lý theo mã số thuế, gây khó khăn cho việc đối chiếu, theo dõi hồ sơ. Các lý do nợ tiền sử dụng đất trong dân còn phụ thuộc vào các nguyên nhân như: giá thuế đất tăng cao trong 5 năm qua tăng đột biến; thông tin về cá nhân chưa chính xác nên khó tìm kiếm. Đặc biệt, ngành thuế chưa có pháp lý cụ thể để thu tiền nợ thuế của cá nhân và hộ kinh doanh…

Từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã xử lý hàng trăm trường hợp người nộp thuế quá hạn, chây ì, vi phạm nợ thuế. Trên 91% người nợ thuế đều được ngành thuế gửi thông báo nợ thuế. Nhiều trường hợp xử lý công khai thông tin người nợ thuế. Trong đó, trên 400 trường hợp bị cưỡng chế nợ thuế với các biện pháp cưỡng chế tài khoản và cưỡng chế hóa đơn.

Tuy nhiên, các biện pháp công khai thông tin hay cưỡng chế tài khoản và và cưỡng chế hóa đơn, cũng như tạm hoãn xuất nhập cảnh chỉ áp dụng được cho người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức. Đối với các hộ gia đình, cá nhân, người dân không có số tài khoản, không có hóa đơn…nên việc cưỡng chế nợ thuế là rất khó.

Nhằm tìm hướng tháo gỡ, khắc phục những khó khăn trong công tác xử lý nợ thuế, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành công văn đến lãnh đạo các địa phương, yêu cầu phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm chỉ đạo các ngành tăng cường chấn chỉnh tình hình nợ thuế, đặc biệt là nợ từ tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phải thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn, đồng thời rà soát danh sách người nợ thuế nhằm xác định các biện pháp thu hồi nợ hiệu quả…Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuế và cơ quan liên quan phối hợp cung cấp thông tin, thực hiện kịp thời những biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế hiệu quả nhất…

Tác giả: Nam Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây