Ngành gỗ gặp khó khi giá nguyên liệu tăng

Thứ hai - 07/03/2022 09:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Giá gỗ nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến gỗ nội thất của Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến các sản phẩm nội thất. Giá gỗ nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp (DN), trong khi nguyên liệu gỗ rừng trồng của Việt Nam phần lớn vẫn còn ở giá trị thấp.

7-3 Ngành gỗ gặp khó khi giá nguyên liệu tăng.jpg?t=1753429024
Sản xuất gỗ tại một DN ở Đồng Nai

Theo các DN, về lâu dài cần chủ động nguồn nguyên liệu gỗ, trong đó nâng cao chất lượng gỗ từ rừng trồng của Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Áp lực từ giá gỗ nguyên liệu nhập

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends (chuyên phân tích thị trường chiến lược và vấn đề chính sách đối với sản phẩm từ rừng), xuất khẩu gỗ của Việt Nam những năm qua luôn đạt giá trị tăng trưởng cao, kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu gỗ tăng theo. Đại dịch Covid-19 và sự đứt gãy của nguồn cung ứng toàn cầu đã làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, gây khó khăn cho các DN có sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Giá gỗ nhập khẩu trong năm 2021 đã có mặt hàng lên tới 300 USD/m3.

Trong khi đó, nguồn gỗ rừng trồng trong nước đã được kỳ vọng là một trong những nguồn cung quan trọng để thay thế nguồn cung nhập khẩu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế để tạo ra nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước có chất lượng. Phần lớn gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ nhỏ, với 60 - 70% được đưa vào làm dăm gỗ và viên nén. Lượng gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) vẫn rất hạn chế. Ông Phúc cho rằng, để tạo được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu cần có các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai có những thay đổi mang tính đột phá.

Ông Nguyễn Xuân Thụy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh, chuyên cung ứng gỗ nguyên liệu cho các DN chế biến gỗ nội thất ở Đồng Nai cho hay, nguồn cung gỗ nguyên liệu đang chịu áp lực từ nhiều phía. Để có thể trụ vững, DN của ông từ nhiều tháng trước đã phải chủ động nguồn nguyên liệu dự trữ. May mắn là ở Đồng Nai có nguồn nguyên liệu gỗ cao su tương đối lớn và thời gian qua được thanh lý để xây dựng sân bay Long Thành nên nhờ vậy nguồn dự trữ cũng tương đối ổn định trong thời gian trước mắt.

“Áp lực tăng giá gỗ nguyên liệu cho các đối tác sản xuất là hiện hữu, tuy nhiên trước mắt DN vẫn chưa thể bởi các công ty sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, hơn nữa gỗ không phải là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày nên khó điều chỉnh nhanh như xăng dầu và các loại hàng hóa khác” - ông Thụy cho biết.

Giá trị xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận giảm

Gỗ nội thất xuất khẩu của Việt Nam những năm qua đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của các DN xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng là giá cước vận tải tăng cao đã “ăn mòn” lợi nhuận của DN. Đại dịch Covid-19 xảy ra gây đứt gãy chuỗi cung ứng và khan hiếm container rỗng để chở hàng. Điều này làm chi phí vận chuyển đường biển quốc tế gần đây tăng phi mã.

Ngoài giá gỗ nguyên liệu thì các thành phần phụ trợ khác trong chế biến gỗ như ốc vít, ngũ kim cũng tăng. Đại diện một DN chuyên cung ứng ốc vít cho chế biến gỗ nội thất ở Biên Hòa nhận định, giá sắt thép để chế tạo sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao. Các loại sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp chế biến gỗ cũng có thể ở một mặt bằng giá mới.

Các DN chế biến gỗ nội thất đánh giá, khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi giá cước vận tải biển tăng và thiếu hụt container rỗng. Khi còn phụ thuộc quá lớn vào những vấn đề này thì ngành sản xuất gỗ nói chung và các DN xuất khẩu sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Thời gian giao hàng cho các đối tác nước ngoài vì thế cũng kéo dài hơn, các DN lo ngại sẽ không thể đáp ứng kịp thời hạn yêu cầu, giảm sức cạnh tranh trong giao thương quốc tế.

Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây