Mùa nắng nóng: Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe

Thứ hai - 22/04/2024 15:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Thời tiết nắng nóng là tác nhân gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Đặc biệt là với những người bị các bệnh hô hấp, viêm phổi, tiêu hóa, tim mạch, huyết áp. Nắng nóng cũng là nguyên nhân dễ gây ngộ độc thực phẩm và nguy cơ mắc bệnh dại do bị chó phát dại cắn. Cho nên, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng là việc cần quan tâm.
Thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe khiến người có bệnh nền phải nhập viện điều trị nhiều hơn.
Thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe khiến người có bệnh nền phải nhập viện điều trị nhiều hơn.

* Bệnh viện quá tải

Tháng 3, tháng 4 là đỉnh điểm của mùa nắng nóng tại Đồng Nai. Đã có những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39°C khiến nhiều người đổ bệnh, nhẹ thì nóng sốt do sốc nhiệt, nặng thì viêm phổi, huyết áp tăng, tim mạch, thậm chí là đột quỵ…

Ghi nhận tại khu khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, khoảng từ 70 tuổi trở lên. Đa số bệnh nhân đến khám bệnh khi xuất hiện các triệu chứng huyết áp liên tục tăng cao, viêm đường hô hấp, viêm phổi, biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, khó ngủ, suy kiệt cơ thể do thời tiết nắng nóng.

Theo thống kê từ 2 bệnh viện này, số bệnh nhân lớn cao tuổi bị viêm phổi, viêm phế quản, rối loạn nhịp tim, suy nhược cơ thể điều trị ngoại trú tăng từ 25-30% (tương đương khoảng 75-100 lượt bệnh nhân/ngày), còn điều trị nội trú khoảng 20-30 bệnh nhân/ngày. Đặc biệt, 2 bệnh viện này cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị đột quỵ do say nắng, tim mạch bất thường, suy kiệt do mất nước… liên quan đến nắng nóng.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai những ngày này, cả khu vực phòng khám bảo hiểm xã hội và dịch vụ đều rất đông. Mỗi ngày có đến gần 2 ngàn lượt bệnh nhi đến khám, điều trị. Do lượng bệnh đông, cộng với người nhà đi cùng khiến cho khu vực phòng khám chật chội và ngột ngạt. Ở các khoa: nhiễm, nhiệt đới, hô hấp, tiêu hóa…, bệnh nhi cũng nhập viện kín giường.
 
Chị Nguyễn Thị Thủy, một giáo viên mầm non (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) đang chăm sóc con nhỏ 4 tuổi bị rối loạn tiêu hóa và ho sốt kéo dài. Chị Thủy cho biết, lớp mẫu giáo của chị dạy có 35 trẻ thì đã có hơn nửa lớp nghỉ học vì bệnh. Nhiều cháu còn bị nổi rôm sảy, ho nóng sốt và biếng ăn uống.

Thời tiết cực đoan không chỉ khiến cơ thể phản ứng dẫn đến sự gia tăng nguy cơ nhiễm một số loại bệnh, mà nắng nóng cũng là chất xúc tác làm cho các loại thực phẩm, thức ăn bị ôi thiu khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, ngoài vụ ngộ độc thực phẩm tại một quán ăn ở phường Tân Mai (thành phố Biên Hòa) với 17 người mắc vào ngày 11-1 thì trong toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào. Tuy nhiên, ghi nhận qua một số bệnh viện, các ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ hoặc bị rối loạn tiêu hóa phải nhập viện điều trị vẫn gia tăng.

Nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi trùng phát tán, đặc biệt trên thực phẩm tươi sống như thịt, cá; các loại thực phẩm ăn sẵn; thực phẩm qua sơ chế nhưng không được bảo quản ở nhiệt độ đủ an toàn hoặc để phơi dưới trời nắng nóng. Nhất là các loại hàng bán rong, hàng bán trên vỉa hè, điểm ăn uống tạm bợ thiếu điều kiện bảo quản, vệ sinh chế biến kém, thực phẩm sống chín lẫn lộn dẫn đến nhiễm khuẩn chéo… Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Ông Nguyễn Minh Kiên (ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) đang điều trị rối loạn tiêu hóa tại Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ông cho biết, thứ bảy vừa qua, gia đình ông gồm 8 người đi thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chơi và ăn hải sản ở một quán ăn, sau đó còn mua hải sản hấp chín đem về để tối “nhậu” tiếp. Hai giờ sau khi ăn thì 3 người bị đau bụng, tiêu chảy. Riêng ông bị nôn ói nhiều, tiêu chảy nặng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất điều trị.

* Ăn đủ chất, uống đủ nước…
 
Mặc dù thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, nhưng theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, những bất lợi này hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu biết cách chăm sóc sức khỏe.
 
Về phòng các bệnh mùa nắng cho trẻ, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nguyên tắc phòng bệnh cho trẻ là chú ý vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm. Cần tắm rửa cho trẻ hàng ngày, chú ý cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều rau quả để tăng sức đề kháng; không để trẻ nằm máy lạnh ở nhiệt độ thấp dưới 20°C hoặc quạt gió thổi trực tiếp vào người. Hiện nay, một số bệnh đã có vaccine phòng ngừa như: sởi, thủy đậu, Rubella, cúm, tiêu chảy, viêm màng não…, phụ huynh nên tiêm phòng cho trẻ bởi đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Riêng với người trung niên, cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý mạn tính như: huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường…, nắng nóng sẽ khiến bệnh nhân dễ tăng huyết áp đột ngột, ăn ngủ không tốt gây suy nhược cơ thể. Do đó, người cao tuổi cần được bổ sung đủ nước, vitamin C, uống đủ từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, để tránh bệnh lý tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, người từ tuổi trung niên trở lên nên có chế độ làm việc vừa phải, tránh căng thẳng, hạn chế làm việc ngoài trời nắng, nóng. Khi từ môi trường nắng nóng không nên vào ngay phòng máy lạnh để tránh sốc nhiệt.

Đối với việc phòng chống ngộ độc thực phẩm và các chứng bệnh liên quan đến thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Đình Minh cho biết, mùa nắng nóng, thực phẩm nếu không được bảo quản tốt sẽ nhanh bị phân hủy, biến đổi chất, dễ gây ngộ độc khi ăn. Do đó, nên thực hiện ăn chín, uống chín, bảo quản thực phẩm vệ sinh an toàn. Thức ăn thừa để qua 3 giờ phải được nấu chín lại trước khi ăn. Không ăn những thực phẩm đã biến đổi màu, có mùi lạ.
 
Trên hết, biện pháp bền vững để phòng tránh các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng vẫn là việc thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cơ thể bằng việc ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ lượng nước cần thiết, giữ vệ sinh thân thể và nghỉ ngơi đúng giờ.

Tác giả: Hạ Di

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây