(CTT-Đồng Nai) - Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hàng trăm địa điểm, di chỉ đã phát hiện có vết tích của các nền văn hoá cổ.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, vài năm trở lại đây Đồng Nai đã đẩy mạnh ứng dụng GIS (Bản đồ GIS là phần mềm hỗ trợ người dùng tạo bản đồ thông minh, tương tác trực quan hóa thông tin không gian) để lấy số liệu, lập bản đồ các di chỉ khảo cổ học.

Các hiện vật sau khi khai quật tại di tích Cầu Sắt và Suối Chồn TP.Long Khánh thu hút các nhà khoa học quan tâm
Các hiện vật sau khi khai quật tại di tích Cầu Sắt và Suối Chồn TP.Long Khánh thu hút các nhà khoa học quan tâm
Nhiều di chỉ khảo cổ học được lập bản đồ GIS
Những năm gần đây, Bảo tàng Đồng Nai đẩy mạnh công tác lấy số liệu lập bản đồ GIS các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Tuy nhiên, việc lấy số liệu không phải lúc nào cũng thuận lợi, có một số di tích có tên trong tư liệu lưu trữ tại bảo tàng nhưng chưa được khảo sát hoặc không tìm được địa điểm.
Trong 2020, Bảo tàng Đồng Nai đã lấy số liệu lập bản đồ GIS các di tích khảo cổ trên địa bàn các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu (tổng cộng có 36 di tích khảo cổ lập hồ sơ thông tin). Tuy nhiên, có một số di tích có tên trong tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai nhưng chưa được khảo sát hoặc không tìm được địa điểm như: di tích Bể Áp Lực, Bình Đạt, Đại An, Bến Cá (huyện Vĩnh Cửu); Vũng Gấm, Long An, Suối Quýt (huyện Long Thành); Phước Long, Phước Mỹ (huyện Nhơn Trạch). Do vậy, Bảo tàng Đồng Nai chỉ ghi nhận thông tin phát hiện, lập hồ sơ 27 di tích còn lại.
Năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai tiếp tục lấy số liệu, lập bản đồ GIS các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán. Trong danh sách di chỉ khảo cổ lập hồ sơ thông tin, có 20 di tích. Một số di tích có tên trong tư liệu lưu trữ tại bảo tàng nhưng chưa được khảo sát hoặc không tìm được địa điểm. Do đó, bảo tàng vẫn ghi nhận những thông tin phát hiện của các di tích này nhưng chỉ lập hồ sơ thông tin 10 di tích.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đang đẩy mạnh điều tra các di tích khảo cổ học vùng Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, TP.Long Khánh nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả các di tích. Sau khi phát hiện địa điểm khảo cổ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ tiến hành ghi chép vị trí phát hiện; lấy tọa độ GIS, chấm điểm trên bản đồ giải thửa; thu lượm hiện vật để chuẩn bị cho quá trình chỉnh lý, nghiên cứu; tiến hành đào kiểm tra địa tầng, địa điểm khảo cổ mới phát hiện, đưa ra nhận định bước đầu về phạm vi phân bố của địa điểm khảo cổ.
Phó Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Trần Kiệt cho biết, triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý các di tích khảo cổ nhằm sử dụng cơ sở dữ liệu GIS làm dữ liệu nền, gắn với dữ liệu ngành khảo cổ học. Việc lập bản đồ GIS không chỉ lưu giữ những thông tin di tích khảo cổ dưới dạng cơ sở dữ liệu số, mà còn giúp người làm công tác quản lý thu nhận và quản lý thông tin hiệu quả, chính xác; cho phép người dùng truy xuất đồng thời trên nền tảng website về thông tin chuyên ngành của lĩnh vực mà ngành đang quản lý dưới dạng thống kê số liệu và bản đồ chuyên đề trực tuyến.

Một hố khai quật khảo cổ học tại địa điểm Long Hưng, TP.Biên Hòa
Một hố khai quật khảo cổ học tại địa điểm Long Hưng, TP.Biên Hòa
Thăm dò và tổ chức khai quật khảo cổ học
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết: “Giai đoạn 2020-2022 đã tiến hành khai quật 4 di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh, gồm: di tích Long Hưng, Tân Lại (TP.Biên Hòa); Cầu Sắt, Suối Chồn (TP.Long Khánh). Việc khai quật được bảo tàng triển khai theo đúng quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về ban hành quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ”.
TS Trịnh Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Viện Khảo cổ học chia sẻ: “Với những phát hiện trong khai quật khảo cổ của Đồng Nai trong thời gian qua có thể khẳng định các di tích khảo cổ có giá trị rất quan trọng và rất quý trong thời điểm hiện nay. Bởi những địa điểm khảo cổ học có các lớp cư trú dày đặc với diện tích rộng như thế hiện tại không còn nhiều nữa, hầu hết đã bị xóa và bị phá bỏ hết. Mặc dù nhiều hiện vật thu được qua các đợt khai quật chưa xác định niên đại bằng các phương pháp khoa học tự nhiên nhưng đã lấy so sánh niên đại với các điểm khảo cổ học khác có cùng một tính chất văn hóa để đưa ra những nhận định bước đầu”.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn cho hay, do các đơn vị có giấy phép hoạt động về khai quật trong nước còn hạn chế nên khi đơn vị tiến hành các thủ tục về đấu thầu còn gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp tiến hành mời thầu 2 lần nhưng không có nhà thầu nào tham gia thầu. Ngoài ra, giấy phép khai quật do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp, vì vậy mất rất nhiều thời gian trình duyệt nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.