Thời gian học online kéo dài đã khiến trẻ chán nản, khó tập trung, nhất là đối với các môn nặng về kiến thức, ít hoạt động. Điều này dẫn đến tinh thần của trẻ bị sa sút, kết quả học tập bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc chủ động tạo sân chơi cho trẻ là rất cần thiết.
Với thế mạnh của mình, tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường nên chủ động tạo sân chơi cho học sinh. Đồng thời, chính học sinh cũng có thể tự tìm đến các sân chơi bổ ích khác bên ngoài nhà trường.
Em Nguyễn Lê Phương Quỳnh, học sinh lớp 10 Văn Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh thực hành biên tập chương trình radio
* Chủ động tạo sân chơi
Vốn có thế mạnh trong phong trào văn nghệ, Đoàn Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) vừa tổ chức cuộc thi Trấn Biên - Dance Challenge. Theo đó, các thí sinh/nhóm thí sinh dự thi sẽ quay các clip nhảy nhằm tôn vinh phụ nữ. Chỉ sau 2 ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được thông tin đăng ký của gần 50 học sinh/nhóm học sinh đăng ký dự thi.
Trong khi đó, Đoàn Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) đã tổ chức hội thi Sáng tác video clip tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ “vùng xanh” thiết lập cuộc sống “bình thường mới”. Hội thi không chỉ tạo sân chơi cho tập thể học sinh các lớp mà còn là cách tuyên truyền phòng, chống dịch hiệu quả, nhẹ nhàng.
Không chỉ trông đợi hoạt động do nhà trường tổ chức, một số học sinh còn chủ động tham gia các sân chơi ngoài nhà trường. Chẳng hạn, em Lê Phan Minh Thư, lớp chuyên Sử Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh hiện đang xếp vị trí thứ 2 trong vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Tinh hoa Việt Nam do Trung ương Đoàn tổ chức.
Tại Trường THPT Long Thành hiện có 4 học sinh đang tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC với dự án Youlight - ứng dụng hỗ trợ đời sống người khiếm thị. Cuộc thi nhằm tạo môi trường trải nghiệm thực tế; đào tạo kiến thức và kỹ năng; lan tỏa và truyền cảm hứng về tư duy khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Đồng Nai cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội, trong đó, trẻ em là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bình thường, hoạt động của trẻ là vừa học vừa chơi nhưng đại dịch Covid-19 khiến môi trường hoạt động của trẻ bị thu hẹp lại, nhất là các hoạt động vui chơi, giải trí. Đặc biệt, thời gian học online kéo dài đã khiến trẻ chán nản, khó tập trung, nhất là đối với các môn nặng về kiến thức, ít hoạt động. Điều này dẫn đến tinh thần của trẻ bị sa sút, kết quả học tập bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, ThS Phúc đã thực hiện dự án Hỗ trợ tâm lý, kỹ năng cho trẻ tại nhà. Dự án đã tư vấn tâm lý cho phụ huynh, học sinh, giúp phụ huynh hiểu được tâm lý trẻ theo từng giai đoạn, độ tuổi để có thể đồng hành cùng trẻ.
ThS Phúc chia sẻ: “Ngoài việc tạo các bài giảng hấp dẫn, sinh động để lôi cuốn học sinh thì giáo viên nên tạo cho học sinh cơ hội được vừa học, vừa chơi, được thể hiện bản thân trẻ. Thay vì giao bài tập như bình thường thì giáo viên có thể đổi mới bằng cách yêu cầu các em quay clip rồi gửi giáo viên. Các em có thể sử dụng ứng dụng quay clip. Đầu giờ học, giáo viên có thể trình chiếu các clip này kèm theo lời khích lệ, động viên, tán thưởng để tăng thêm tinh thần, tạo hứng khởi cho các em”.
Nhóm học sinh Trường THPT Long Thành đạt giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2021
* Phát huy thế mạnh CLB
Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh vốn có thế mạnh về sinh hoạt của các CLB đội nhóm. Nhà trường có 15 CLB ở đầy đủ các lĩnh vực: học thuật, năng khiếu, thể thao, khoa học kỹ thuật… Mỗi CLB đều có Ban chủ nhiệm là học sinh và tự lên kế hoạch, điều hành, tổ chức mọi hoạt động. Đầu năm học này, trường có thêm 2 CLB mới là: CLB Sân khấu điện ảnh và CLB Vẽ, nâng tổng số CLB của trường lên 17.
Với số lượng nhiều và đa dạng, học sinh của trường có nhiều lựa chọn và luôn có sẵn sân chơi. Mặt khác, hàng năm, Đoàn trường đều lên sẵn kế hoạch để tổ chức các hoạt động theo chủ đề tháng. Vì vậy, dù trong bối cảnh học online, học sinh của trường vẫn có nhiều cơ hội tham gia hoạt động ngoại khóa.
Trong tháng 9-2021, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã tổ chức chương trình chào đón học sinh khối 10 bằng hình thức online. Tại chương trình, học sinh khối 10 đã được giới thiệu về 17 CLB và mảng hoạt động của từng CLB. Qua đó, các CLB đã tuyển thêm được nhiều thành viên. Các thành viên mới đã được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để sẵn sàng tham gia tổ chức các hoạt động offline khi học sinh được đi học trở lại.
Thầy Vũ Thanh Bình, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cho biết, Đoàn trường có 2 ban trực thuộc là Ban đối ngoại (phụ trách vận động tài trợ cho các hoạt động ngoại khóa của Đoàn trường) và Ban phát thanh (phụ trách chương trình phát thanh học đường). Trong thời điểm học online, hàng tuần Ban phát thanh vẫn đều đặn biên soạn các clip để phát trên fanpage của trường.
Em Nguyễn Lê Phương Quỳnh, học sinh lớp 10 Văn chia sẻ: “Khi học cấp THCS, em hầu như không có cơ hội tham gia hoạt động phong trào nên khi được nghe giới thiệu về các CLB của trường, em rất bỡ ngỡ, phân vân. Khi vào Ban phát thanh rồi, em được học nhiều kỹ năng, mở mang thêm kiến thức và được giao lưu, học hỏi cùng các anh chị. Em cảm thấy rất tuyệt vời. Nhờ đó, em cũng giảm áp lực, căng thẳng khi phải học online lâu dài”.
Em Lê Minh Dương, lớp 12 Sinh, Chủ nhiệm CLB Môi trường (CLB Planeteers) cho biết, CLB này hiện có 33 thành viên. Thời điểm này, CLB duy trì sinh hoạt online với các nội dung như: tìm hiểu về môi trường, đưa mọi người đến gần thiên nhiên hơn, cùng nhau giải trí bằng cách tham gia các “hot trend” trên mạng xã hội, chơi các trò chơi phù hợp trên môi trường mạng… Những hoạt động này đã giúp các thành viên gắn kết với nhau, dù chưa có dịp gặp mặt trực tiếp.
Sau hơn 1 tháng học, ngoài hoạt động của các CLB, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh còn tham gia cuộc thi Lương Thế Vinh - Vùng xanh hy vọng, thi tuyển thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia; vòng 1 cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường.
Hoàng Giang