(CTT- Đồng Nai) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã chủ trì hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc
Năm 2023, toàn tỉnh xuất hiện 9 ổ dịch tả heo châu Phi trên địa bàn 9 xã thuộc 7 huyện, thành phố; tiêu hủy 371 con heo heo bệnh và heo chết. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 5 ổ dịch cúm gia cầm, 2 ổ dịch lở mồm long móng; 3 ca bệnh dại trên người và 19 ca bệnh dại trên chó.
Trong năm, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh lan trên diện rộng. Đạt được kết quả trên có một phần quan trọng là công tác tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai. Toàn tỉnh đã tổ chức 2 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn 11 huyện, thành phố; sử dụng gần 20 ngàn lít thuốc sát trùng với tổng diện tích phun xịt hơn 149 triệu m2 ở các nơi công cộng, chợ, hộ chăn nuôi…Tổng số vaccine phòng các loại dịch bệnh trên động vật do người dân sử dụng trong năm 2023 là hơn 29,4 triệu liều. Tiêm phòng từ nguồn ngân sách là gần 675 ngàn liều. Tỉnh tiếp tục duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Công tác giám sát dịch bệnh cũng được chú trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, Đồng Nai là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn, hàng năm việc triển khai công tác phòng, chống dịch được quan tâm. Năm 2023, Đồng Nai không xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như sức khỏe cộng đồng. Là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn, việc phòng chống dịch bệnh phải luôn được tập trung thực hiện vì để xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Việc triển khai phòng chống dịch bệnh mang ý nghĩa lớn, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và người nuôi thú cưng. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng, đề nghị các cơ quan báo chí, các sở, ngành quan tâm công tác phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu sát đến người dân trong công tác phòng, chống dịch. Công tác phòng ngừa với nhiều hoạt động được chú trọng như: Công tác tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương; quản lý vận chuyển, hoạt động kinh doanh động vật và sản phẩm động vật…
Việc quản lý đàn, truy xuất nguồn gốc cũng góp phần nâng vị thế của chuỗi sản xuất, hỗ trợ và tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi. Công tác quản lý, kiểm tra giết mổ, vận chuyển, mua bán sản phẩm chăn nuôi cũng phải được kiểm soát và tăng cường quản lý, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị