Được xác định là chủ thể của di sản văn hóa, cộng đồng không chỉ là nơi sáng tạo, mà còn giữ vai trò chủ chốt trong làm giàu, phát huy trong đời sống xã hội.
Ban Quý tế các đình và Nhân dân trên địa bàn TP.Biên Hòa tham gia lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đình Phước Lư
Những cách làm hay của nhiều địa phương thời gian qua cho thấy hướng bảo tồn, phát huy giá trị này cần tiếp tục được động viên, quan tâm hơn nữa từ nhiều phía.
Chủ động xây dựng kế hoạch…
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Tình, từ khi tiếp nhận phân cấp quản lý di tích, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Trong 2 năm (2020-2021) dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, việc trùng tu tôn tạo di tích có thời điểm gián đoạn và các hoạt động lễ hội đã phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Nhiều hoạt động về tuyên truyền, quảng bá di tích như: về nguồn, tham quan di tích lịch sử cách mạng, ngoại khóa của học sinh, triển lãm tại di tích… đã được xây dựng nhưng không thực hiện được.
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục chủ động xây dựng các kế hoạch quản lý, bảo quản phục hồi, tu sửa cấp thiết và phát huy giá trị di tích, danh thắng đã được phân cấp theo đúng quy định; thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi sử dụng trái phép di tích, danh thắng. Ngoài ra, trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các di tích trên Cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh của thành phố và gắn với các cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử di tích…
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao H.Trảng Bom -Tăng Thùy Phương Khánh, nhiều di tích trên địa bàn huyện thời gian qua được trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống hiện tại. Một số di tích ở H.Trảng Bom đã được tu sửa bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Để phát huy giá trị các di tích này, trung tâm đã và đang phối hợp với Huyện đoàn và Phòng Giáo dục - Đào tạo H.Trảng Bom tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Di sản văn hóa đến các tầng lớp nhân dân, chú trọng đối tượng là học sinh. Đây là việc làm rất cần thiết, vừa giáo dục truyền thống, giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm di tích, vừa giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo tồn di tích.
Tiếp sức cộng đồng bảo tồn di sản
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, di tích, di sản văn hóa là minh chứng thể hiện bề dày truyền thống lịch sử của một địa phương, một đơn vị. Việc bảo vệ và phát huy nó chính là bảo vệ, phát huy truyền thống của đơn vị, địa phương, của tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý di tích đó. Đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục và phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Di sản. Khi trùng tu, tôn tạo, nếu di tích đó là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì phải thực hiện quy trình, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với di tích cấp quốc gia, phải lập hồ sơ, thủ tục trình Bộ trưởng VH-TTDL…
“Trước khi công nhận di tích, cộng đồng dân cư là đối tượng chủ yếu trong việc phát huy giá trị di tích. Khi được công nhận là di tích, không ai khác, chính cộng đồng dân cư là chủ thể phát huy vai trò của di tích. Ở góc độ quản lý nhà nước, ngành VH-TTDL sẽ tạo điều kiện để những người làm công tác quản lý di tích tổ chức tốt hoạt động để phát huy giá trị di tích; đồng thời, có cơ chế, hành lang pháp lý để giúp người dân khi đến tham quan di tích được thuận lợi. Nhà nước sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng dân cư trong những điều kiện nhất định nhưng trong bảo vệ, phát huy di tích thì trách nhiệm của cộng đồng dân cư vẫn đặt lên hàng đầu” - ông Bằng nhấn mạnh.
Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập