“Biến” bẹ chuối, lá cây thành chén đĩa

Thứ sáu - 25/03/2022 10:05
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Một nhóm sinh viên khoa Cơ điện - Điện tử, Trường Đại học (ĐH) Lạc Hồng đã đầu tư thời gian 3 năm để thực hiện dự án ENRE (Environment Recycle). Nhóm nghiên cứu, chế tạo máy ép phụ phẩm nông nghiệp để có thể biến các loại như: bẹ chuối, mo cau, thậm chí là lá bàng, lá sen trở thành chén đĩa, ly… thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần

z3285518099296_288e847e6f7d7a05dca7b5a292acc734.jpg?t=1753429024

Nhóm ENRE đang giới thiệu máy ép phụ phẩm nông nghiệp với khách tham quan tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS)

Điểm khác biệt của máy do nhóm thiết kế so với các máy khác trên thị trường là có thể dễ dàng thay đổi mẫu mã sản phẩm bằng cách thay thế các khuôn được sản xuất thành những module tách rời thân máy.

Quy trình nghiên cứu, sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Đồng Nai có diện tích trồng chuối rất lớn nhưng hiện nay hầu hết nông dân chỉ thu phần quả, bắp chuối. Nhận thấy rằng bẹ chuối có thể được ép để trở thành ly, chén, đĩa thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhóm ENRE (gồm 8 thành viên) đã lên ý tưởng chế tạo máy ép phụ phẩm nông nghiệp.

Đây không còn là sản phẩm mới lạ trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm cho rằng các máy ép hiện có trên thị trường đều là máp nhập khẩu với giá thành khá cao (khoảng 120 - 160 triệu đồng/máy), không đa dạng về mẫu mã sản phẩm nên chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng.

Tháng 4-2019, nhóm bắt tay vào thực hiện ý tưởng và tham gia cuộc thi EPICS (Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng). Tại sân chơi này, nhóm được hướng dẫn cách để triển khai 1 đề tài từ ý tưởng đến thực tế. Theo đó, nhóm không bắt tay ngay vào nghiên cứu sản phẩm mà tiến hành khảo sát ý kiến người dùng để rút ra những ý kiến cần thiết cho dự án. Sau khi thu thập, tổng hợp, phân tích ý kiến, nhóm bắt đầu vạch ra những mục tiêu mà dự án cần đạt được (cần phải thiết kế máy như thế nào, sản phẩm đầu ra của máy đáp ứng cho ai, mẫu mã sản phẩm nào phù hợp cho người dùng…). Dựa trên mục tiêu đó, nhóm thiết kế bản vẽ cho máy, tiến hành chỉnh sửa trên bản vẽ để tạo nên phiên bản hoàn thiện rồi mới tiến hành gia công máy, thử nghiệm máy...

Với sản phẩm máy ép phụ phẩm nông nghiệp này, nhóm dừng chân ở vòng chung kết cuộc thi EPICS mà không có giải thưởng. Tuy nhiên, các thành viên nhóm đã không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và tham gia cuộc thi MEP (Từ sáng tạo đến khởi nghiệp).

Tại cuộc thi này, nhóm tiếp tục đưa các thành phẩm (chén, đĩa, ly) để giới thiệu đến các đối tượng đã khảo sát khi dự thi EPICS  nhằm tiếp tục lấy ý kiến đánh giá, phản hồi của khách hàng và tiếp tục cải tiến máy ép. Khi tạo được phiên bản hoàn chỉnh nhất, nhóm bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường bằng nhiều hình thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Nhóm cũng đã tìm được khách hàng đặt mua sản phẩm hoặc có ý định hợp tác. Tuy nhiên, nhóm chưa đủ khả năng sản xuất để đáp ứng đơn hàng nên không thể ký hợp đồng.

Tham gia 2 “sân chơi” EPICS và MEP đã giúp các sinh viên hiểu được quy trình từ việc phát triển ý tưởng, xây dựng nguyên mẫu đến giai đoạn cải tiến chiến lược tiếp thị để thương mại hóa và mở rộng quy mô sản phẩm. 

Đa dạng hóa sản phẩm nhờ các bộ khuôn mẫu tách rời

z3285518281717_38952835969e6a9fb6c6bf7a92df06e5.jpg?t=1753429024

Máy ép phụ phẩm nông nghiệp thành chén đĩa thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần

Nói về ưu điểm của máy ép phụ phẩm nông nghiệp, sinh viên Phạm Anh Quân, (Khoa Cơ điện - Điện tử), trưởng nhóm ENRE cho biết, khuôn mẫu sản phẩm được khảo sát từ người dân Việt Nam, phù hợp với các yêu cầu người dùng nên sản phẩm do máy sản xuất ra sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường hơn. Máy có thể dùng cho nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp: như bẹ chuối, lá chuối, mo cau, lá bàng, lá sen...

“Máy được thiết kế sao cho dễ sử dụng nhất: các khuôn mẫu sản phẩm (đĩa, ly,hộp đựng thức ăn…) được sản xuất thành các module tách rời dễ dàng tháo lắp, thay thế; bảng điều khiển đơn giản, khi thay đổi nguyên liệu ép, người dùng chỉ cần chọn chế độ phù hợp là máy sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ, thời gian, lực ép...”, Quân chia sẻ.

Theo tính toán của nhóm, chi phí sản xuất 1 máy ép phụ phẩm nông nghiệp (dạng máy đơn) khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng; mỗi bộ khuôn kèm theo máy có giá 6 - 7 triệu đồng. Máy có thể hoạt động với công suất 1 sản phẩm/1 phút.

Máy có thể hoạt động ở 2 chế độ: tự động và bán tự động. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi có thể điều chỉnh một vài thông số. Máy có kích thước 500cm x 600cm x 1500cm với trọng lượng 70kg, dễ sử dụng, dễ vận hành, dễ vệ sinh và dễ vận chuyển

Mong muốn chia sẻ để có thể áp dụng ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai và các tỉnh thành trên cả nước, nhóm sẽ bán bản thiết kế và quy trình công nghệ đi kèm cho những đơn vị sản xuất nào quan tâm, hoặc nhóm có thể hỗ trợ xây dựng máy ép này.

Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây