Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa có phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng. Trong phiên họp này, đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu. Theo đó, Tổng liên đoàn đã đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ ngày 1-7-2022.
Công nhân Công ty CP bao bì Đại Lục (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc
Đảm bảo mức sống cho NLĐ
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trong năm 2021 cho thấy, 21% NLĐ phải ăn nhiều mì tôm, hơn 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi, 11% phải vay mượn tiền của người thân và 0,3% lao động vay lãi suất cao, “tín dụng đen” hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, 2 năm qua, lương tối thiểu vùng vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ ngày 1-1-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lương tối thiểu vùng vẫn có thể điều chỉnh trước mốc thời gian trên, vì tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực. Ngoài ra, trong lịch sử, đã có nhiều lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh và áp dụng vào giữa năm nên cần điều chỉnh sớm lương tối thiểu vùng để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Chia sẻ khó khăn với NLĐ, song đại diện VCCI cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng cần phải tính toán kỹ trong bối cảnh DN vẫn cần phục hồi sau đại dịch. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, các DN đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh. Hai năm qua, lương tối thiểu vùng không tăng, vì vậy, việc tăng lương là nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Song nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hợp lý và lâu dài.
Để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023, từ ngày 1-4, Bộ LĐ-TBXH bắt đầu điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại 18 địa phương, trong đó có Đồng Nai. Theo đó, sẽ có 2 ngàn DN được chọn điều tra lần này thuộc nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nông lâm ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ… DN được điều tra có quy mô từ dưới 100 lao động đến trên 300 lao động. Các nội dung chính được tìm hiểu ở DN là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo...
Nhiều NLĐ mong chờ
Anh Lê Văn Thiện, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) cho biết, anh và vợ đều làm cho công ty này đã trên 4 năm. Thu nhập của hai vợ chồng được gần 13 triệu đồng/tháng kể cả tiền tăng ca. Với mức thu nhập này, vợ chồng anh phải chi tiêu rất tiết kiệm để đảm bảo được cuộc sống của gia đình 4 người. “Chỉ riêng tiền đóng học cho hai con nhỏ đã gần 3 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà trọ và điện nước 1,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền chi tiêu hàng ngày, tiền sữa cho con và các khoản phát sinh khác. Hơn 4 năm đi làm, vợ chồng tôi không tích lũy được gì. Nay giá cả thị trường gia tăng, vợ chồng tôi còn phải tính toán chi li hơn. Do đó, gia đình tôi rất trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu vùng sớm” - anh Thiện chia sẻ.
Tương tự, công nhân Lê Thị Ngọc, làm việc tại Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình chị đang thuê phòng trọ giá rẻ tại KP.4, P.Long Bình với mức 900 ngàn đồng/phòng. Mặc dù phòng trọ nhỏ hẹp và rất nóng bức nhưng nếu muốn thuê phòng rộng rãi hơn thì thu nhập không đủ chi trả. “NLĐ nếu muốn đủ chi tiêu phải tăng ca hàng tuần, nhưng không phải lúc nào cũng đủ sức khỏe để tăng ca. Chưa kể, hiện mọi thứ đều tăng giá nhưng lương không tăng khiến đời sống NLĐ ngày càng khó khăn hơn. Tôi chỉ mong Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng để chia sẻ bớt khó khăn của NLĐ” - chị Ngọc bày tỏ.
Để giữ chân lao động, thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tăng lương cho NLĐ hàng năm dựa trên doanh thu và lợi nhuận của các DN. Song con số này hiện vẫn còn ít so với số đông NLĐ đang sống và làm việc tại Đồng Nai. Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở cho rằng hiện mức lương bình quân của NLĐ chỉ được khoảng trên 7 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, NLĐ không thể đủ chi tiêu cho chính mình trong tháng chứ đừng nói đến chuyện nuôi con hay tích lũy. Vì thế, NLĐ phải làm thêm rất nhiều để tăng thu nhập. Từ thực tế đó cho thấy, đa phần NLĐ đều mong muốn Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng vì hiện các DN đều xây dựng thang, bảng lương dựa trên mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhận định, trong hơn 2 năm qua, đại dịch đã có tác động rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ. Lương tối thiểu vùng của NLĐ không tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của NLĐ giảm khoảng 10% so với năm 2019. NLĐ đã phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống. Cùng với những lo lắng về bữa cơm, NLĐ còn lo lắng, bất an, sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi phải sống trong những khu nhà trọ chật chội, không đảm bảo điều kiện sống, an ninh, lo lắng về việc học hành, an toàn, chăm sóc con cái…
Cũng theo ông Nguyễn Đình Khang, những nỗ lực chăm lo của tổ chức Công đoàn đã giúp đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực duy trì chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, kinh doanh DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, đã xuất hiện trường hợp NLĐ buộc phải chọn các hành vi tiêu cực như: tham gia vào “tín dụng đen”, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội hoặc chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần… Nhiều NLĐ sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, khu công nghiệp. Tất cả những lý do trên đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực, gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phong Lan