Cần giải pháp nâng cao thu nhập cho điều dưỡng

Thứ bảy - 09/04/2022 20:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Mặc dù công việc rất vất vả nhưng thu nhập hiện tại của điều dưỡng rất thấp, không đảm bảo trang trải cuộc sống.

anh 1 - nghe dieu duong.jpg?t=1753674349

: Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chuẩn bị máu để truyền cho bệnh nhân Covid-19.

Nhiều điều dưỡng nghỉ việc

Năm 1998, chị Cao Thị Hải Yến bén duyên với nghề điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Nơi đầu tiên chị Hải Yến hành nghề là khoa Ngoại, tiếp đến là khoa Cấp cứu khám bệnh, Hồi sức tích cực chống độc… Đến tháng 4-2017, chị Yến được tín nhiệm giao giữ chức Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Suốt 24 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, chị Hải Yến nhận ra có lẽ nghề đã chọn chị. Bởi qua nhiều giai đoạn với nhiều khó khăn, vất vả, chị vẫn yêu nghề, bám trụ với nghề. Trong các buổi tuyển dụng điều dưỡng mới cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Trưởng phòng Điều dưỡng Cao Thị Hải Yến luôn đề nghị các ứng viên phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định làm nghề điều dưỡng. Bởi phải thực sự yêu nghề, đam mê với nghề, có đủ sự kiên nhẫn, yêu thương người bệnh mới có thể chịu đựng và vượt qua được những áp lực, vất vả của nghề. Bên cạnh đó, điều dưỡng cũng cần phải thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao chứ không chỉ làm việc cho hết giờ rồi về.

Chị Cao Thị Hải Yến cho biết, toàn Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hiện có 586 điều dưỡng/tổng số hơn 1,6 ngàn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên. Số lượng điều dưỡng không thiếu nhưng do lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện đông, số bệnh nhân điều trị nội trú nhiều nên điều dưỡng gặp khá nhiều áp lực. Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với việc thực hiện cách ly, phong tỏa nên nhiều người dân có tâm lý e ngại đến bệnh viện. Chỉ đến khi bệnh đã nặng, người dân mới nhập viện để điều trị. Việc phải chăm sóc, điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng cùng lúc khiến điều dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chế độ trực gác liên tục, yêu cầu cao trong vấn đề giao tiếp với bệnh nhân, cách hành xử không chuẩn mực của một bộ phận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng là áp lực đối với điều dưỡng. Điều dưỡng ở nhiều khoa như Cấp cứu tổng hợp, hô hấp, tiêu hóa, hồi sức tích cực chống độc phải chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân.

Chính bởi không chịu nổi những áp lực đó mà thời gian qua có một số điều dưỡng đã xin nghỉ việc tại bệnh viện công lập để ra ngoài làm tại các bệnh viện tư nhân, các phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở tiêm chủng, cơ sở làm đẹp trên địa bàn. Để bổ sung lực lượng thiếu hụt, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phải liên tục tuyển dụng điều dưỡng. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện tuyển khoảng gần 30 điều dưỡng.

z3328290076792_218b03046727014e230a476af43f4272.jpg?t=1753674349
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nặng

Việc ngập đầu

Điều dưỡng Bùi Thị Thanh, khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng đã gắn bó với nghề điều dưỡng được 18 năm. Sau 7 năm làm việc tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, từ năm 2010 đến nay, chị Thanh làm việc tại khoa Thận nhân tạo.

Chia sẻ về công việc hằng ngày, chị Thanh cho hay, công việc của điều dưỡng tại khoa luôn trong tình trạng “ngập đầu”. Nếu trực ca 1, điều dưỡng phải có mặt tại khoa từ 6 giờ sáng để phát quả lọc, phát dây lọc, mắc quả lọc máu, rồi gọi bệnh nhân vào giường bệnh, ổn định chỗ nằm để chích kim truyền máu cho bệnh nhân. Trong khoảng thời gian từ 3,5 -4 giờ đồng hồ bệnh nhân lọc máu, điều dưỡng thực hiện các công việc khác như đo huyết áp, phát thuốc, chích thuốc, truyền dịch… cho bệnh nhân. Sau đó tiến hành ghi hồ sơ bệnh án, theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân trong suốt thời gian chạy thận, trả máu về cho bệnh nhân và kết thúc cuộc lọc máu…

“Trung bình mỗi ngày, khoa tiến hành lọc máu cho khoảng 200 bệnh nhân. Mỗi ca trực có từ 10-14 điều dưỡng. Điều dưỡng không được rời vị trí làm việc khi đang theo dõi người bệnh được lọc máu” - chị Bùi Thanh cho hay.

Trong khi đó, anh Vũ Xuân Qúy, Điều dưỡng trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện đại học y dược Shing Mark chia sẻ, những bệnh nhân khi vào điều trị tại khoa Ung bướu phần lớn luôn trong tình trạng lo lắng, tâm lý bất ổn. Nhiều người bi quan về bệnh tật nên hay buồn bã, không muốn trò chuyện, tiếp xúc với người khác. Chính bởi vậy, điều dưỡng phải có thái độ, cách cư xử phù hợp, quan tâm đặc biệt đến bệnh nhân kể từ khâu tiếp nhận đến suốt quá trình điều trị. Qua đó, giúp bệnh nhân thấy được nhân viên y tế có sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm đến họ.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đinh Cao Minh cho hay, để nâng cao thu nhập cho điều dưỡng, bệnh viện thực hiện các gói dịch vụ, những câu lạc bộ sinh hoạt để điều dưỡng tham gia; làm kế hoạch để mở các phòng khám bệnh theo yêu cầu, khu điều trị bệnh trong ngày, triển khai các gói dịch vụ liên quan đến sản khoa…, liên kết với Bệnh viện Đồng Nai 2 để triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao nhằm tăng nguồn thu cho bệnh viện và tăng thu nhập cho điều dưỡng.

Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây