Thiết thực với Hội thi hòa giải viên giỏi

Thứ sáu - 15/09/2023 11:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về pháp luật hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hằng ngày của người dân, quy tắc ứng xử trong gia đình và nơi công cộng trên địa bàn cư trú.
(CTT-Đồng Nai) - Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai năm 2023. Tham gia hội thi lần này, 11 đội của tất cả các huyện và thành phố: Long Khánh, Biên Hòa trải qua 3 phần thi, gồm: giới thiệu, trả lời câu hỏi và sân khấu hóa.
Thông qua hội thi, các hòa giải viên có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, qua đó nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.
Các đội thi tham gia phần thi Sân khấu hóa với những tiểu phẩm đặc sắc, gây ấn tượng người xem
Các đội thi tham gia phần thi Sân khấu hóa với những tiểu phẩm đặc sắc, gây ấn tượng người xem

Đầu tư kỹ lưỡng nội dung qua các phần thi
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương (thành viên của Đội thi H.Định Quán) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh, H.Đinh Quán đã sớm thành lập đội thi và dành nhiều thời gian tập luyện. Trong phần kiến thức, đội thi đã đầu từ về tìm hiểu các luật trong nhiều lĩnh vực như: đất đai, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình… để làm tốt hơn phần thi kiến thức của mình.

Về phần thi tiểu phẩm, Đội thi H.Định Quán đã lấy các tình huống cũng như các mâu thuẫn từ địa phương để đưa lên biểu diễn nhằm tuyên truyền cũng như giáo dục cho bà con hiểu hơn về những việc làm sai trái cần phải xóa bỏ để cho xã hội cũng như kinh tế của địa phương ngày càng phát triển tốt đẹp. Mục tiêu mà các thành viên trong đội thi mong muốn khi tham gia hội thi là sẽ học hỏi được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để có thể làm tốt trong công tác hòa giải cơ sở.

Chị Nguyễn Thanh Thảo (thành viên của Đội thi H.Long Thành) cho hay, bản thân chị đã sắp xếp thời gian công việc cá nhân cũng như gia đình để quyết tâm tham gia hội thi đợt này với tinh thần phấn khởi nhất. Cụ thể, chị cùng các thành viên trong đội đã sắp xếp thời gian tập luyện cho phần thi chào hỏi, tiểu phẩm vào buổi sáng và trau dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống vào buổi chiều.

“Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ UBND huyện, đặc biệt là phòng Tư pháp H.Long Thành. Đó là động lực để giúp cho công tác thi của đội chúng tôi đạt hiệu quả tốt nhất”- chị Thảo bộc bạch.

Ông Nguyễn Phi Sáng (Tổ hòa giải cơ sở ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) chia sẻ: “Tôi nhận thấy hội thi hoà giải viên giỏi lần này rất ý nghĩa và bổ ích cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Bởi hội thi đã giúp cho các hòa giải viên có điều kiện gặp gỡ giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Tôi mong ngày càng có nhiều hội thi như thế này để giúp cho đội ngũ hòa giải viên có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm nhằm làm tốt trong công tác hòa giải ở cơ sở”.

Lan tỏa mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả.
Mặc dù hội thi chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng đã để lại trong lòng ban tổ chức hội thi và người xem nhiều ấn tượng bởi sự sôi nổi, hấp dẫn của các tiết mục. Kết quả, ban tổ chức đã trao thưởng với tổng số lượng 14 giải; trong đó, đội thi TP.Biên Hòa đạt giải Nhất, đội thi H.Long Thành đạt giải Nhì và 2 đội thi: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc cùng đạt giải Ba.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn (Phó Ban tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai năm 2013) nhận xét, thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Kết quả của hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai năm 2013 đã minh chứng cho điều đó. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở không những có tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, hết mình với công việc mà còn rất chịu khó trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực hòa giải, có kỹ năng phân tích, thuyết phục giúp hòa giải các mâu thuẫn; có năng khiếu về văn nghệ, diễn kịch...

“Nếu như phần thi “Giới thiệu” tạo sự ấn tượng bởi những tiết mục dàn dựng kỳ công, hấp dẫn thì phần thi “Trả lời câu hỏi” cũng không kém phần thú vị. Đặc biệt, “Sân khấu hóa” là phần thi hấp dẫn nhất của hội thi, bởi tiểu phẩm của các đội đã đem lại cho ban tổ chức và người xem nhiều cảm xúc đặc biệt”- ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, hội thi đã cho thấy, sân khấu hóa là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiệu quả và tạo được sức lan tỏa tốt hiện nay. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp trong thời gian qua đã chú trọng việc thực hiện hình thức này, xác định đây là một hình thức PBGDPL chủ yếu; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Đồng thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức các hội thi với hình thức sân khấu hóa trong nhiều năm nay.

Riêng năm 2023, ngoài hội thi hòa giải viên giỏi, Sở Tư pháp cũng đang phối hợp với Sở GD-ĐT, Công an tỉnh chuẩn bị tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh của các trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh sân khẩu hóa bằng việc tổ chức các hội thi đối với các đối tượng là công nhân, sinh viên của các trường học trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây