(CTT-Đồng Nai) Dịch vụ đặt hàng qua app ngày càng nở rộ, đội ngũ những người vận chuyển (shipper) ngày càng đông và nhờ thế có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Thế nhưng, shipper cũng thường phải đối mặt với tình trạng “bom hàng” (khách đặt hàng nhưng không nhận) làm ảnh hưởng tới doanh thu, mất thời gian, công sức…

Một shipper gọi điện cho khách để giao hàng đồ ăn tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa)
Một shipper gọi điện cho khách để giao hàng đồ ăn tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa)
Nỗi khổ bị… “bom hàng”
Anh Nguyễn Văn Long, sinh viên năm 3 Trường Đại học Lạc Hồng đã làm thêm nghề giao hàng từ khi vào đại học. Anh Long tâm sự, lúc đầu anh mượn người thân 2 triệu đồng làm vốn, kết nối vào mạng lưới ship hàng của Food-now để kiếm thêm tiền trang trải việc học. Theo anh Long, tháng nào chạy nhiều, giao hàng suôn sẻ thì cũng khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, thêm vào trang trải tiền ăn học. Nhưng tháng nào bị bom hàng, nhất là hàng thực phẩm, đồ ăn, thức uống thì không những không có dư mà còn thâm vào vốn.
Anh Long tâm sự, có lần anh bị “bom” 3 tô bánh canh cua với số tiền 167 ngàn đồng, khách không nhận vì chê đồ ăn bị nguội. Dù anh giải thích là phải chạy dưới trời mưa nên đồ ăn nhanh bị nguội, khách có thể nấu nóng lại dùng, nhưng người này kiên quyết không nhận. Hôm đó, bất đắc dĩ anh Thắng phải ăn bánh canh cả ngày.
“Dãi nắng, dầm mưa, vất vả đi giao hàng, kể cả việc phải đối mặt với nguy hiểm khi giao hàng vào lúc khuya, đến những địa điểm vắng vẻ nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà nhiều shipper phải nỗ lực. Song còn gặp tình trạng “bom hàng” thì… nản lắm” - anh Trần Văn Hải, một người có gần 10 năm làm nghề ship hàng chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Đô (ngụ P. Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, hồi mới làm nghề ship hàng, chưa có kinh nghiệm, chưa biết nhiều đường phố nên việc tìm nhà giao hàng cho khách rất khó khăn. Sau này có app Google Map, việc tìm nhà dễ hơn. Còn chuyện “bom hàng”, bị nhiều nên anh cũng có cách nhận ra khách oder (đặt hàng) ảo. Chẳng hạn, khi nhận đơn hàng chuyển, với những đơn đồ ăn, nước uống từ 300 ngàn đồng trở lên, anh hay gọi lại cho khách hàng xác nhận đơn lần nữa cho chắc rồi mới đặt.
“Nghề shipper vất vả, không dám ăn sang, nhưng đôi khi “bị” ăn những cái bánh pizza giá 300 ngàn đồng, uống ly trà sữa 85 ngàn đồng hoặc những món ăn tiền triệu mà không cảm thấy ngon chút nào vì là đồ ăn bị khách “bom hàng” - anh Đô bộc bạch.
Khó xử lý tình trạng “bom hàng”
Qua trao đổi, một số shipper cho rằng, khi khách “bom hàng” chỉ có shipper là thiệt hại, còn khách hàng không bị xử lý gì. Hiện theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về thương mại điện tử cũng chỉ nêu trách nhiệm của bên bán chứ chưa nêu trách nhiệm của người đặt hàng, người mua hàng.
Cụ thể, tại Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP nêu rõ, tranh chấp giữa thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết tranh chấp phải thông qua thương lượng giữa các bên, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp nên rất khó xử lý.
Theo những shipper, với rất nhiều thủ tục rắc rối nên khi bị “bom hàng”, người bán và shipper đều âm thầm chịu đựng, coi như gặp xui chứ cũng không muốn khiếu nại, bởi sẽ mất thời gian, công sức nhiều hơn. Giải pháp duy nhất của họ là lần sau sẽ từ chối đơn hàng của người đó hoặc yêu cầu phải thanh toán trước mới ship hàng.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải cho biết, hoạt động mua bán online diễn ra khá phổ biến nên tình trạng “bom hàng” cũng không hiếm gặp. Để khắc phục tình trạng này, trước khi vận chuyển đơn hàng có giá trị, người bán cũng như shipper nên yêu cầu người mua xác nhận qua email, số điện thoại để lọc khách ảo. Trường hợp khách cố tình “bom hàng” có giá trị lớn, có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.