Dùng đa dạng các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ hai - 22/01/2024 14:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Box: Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có trên 33 triệu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xác thực. Tới đây, khoảng 50 triệu cơ sở dữ liệu còn lại sẽ tiếp tục được kết nối, chia sẻ và liên thông. Tại Đồng Nai, hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích hợp hơn 1,5 triệu mã định danh cá nhân/CCCD đồng bộ với thẻ BHYT.
(CTT-Đồng Nai) - Hiện nay khi đi khám, chữa bệnh (KCB), người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có thể xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân (CCCD). Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xuất trình các loại giấy tờ khi đi khám, điều trị bệnh.

Người bệnh dùng CCCD để khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Người bệnh dùng CCCD để khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

* Dùng CCCD và thẻ BHYT có dán ảnh

Thông tin trên được quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19-10-2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (gọi tắt là Nghị định 75).

Theo Nghị định 75, từ ngày 3-12, khi đi KCB, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc CCCD. Trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh, người dân phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ liên quan như: giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận của công an cấp xã; giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

Ngoài ra, các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác có thể dùng, được pháp luật quy định có tính chất tương đương như: hộ chiếu; sổ bảo hiểm xã hội; giấy khai sinh; giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân; giấy phép lái xe… Ngoài ra, tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi KCB BHYT. Trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để đăng nhập ứng dụng VssID thì có thể được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.

Đối với trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc CCCD cùng với giấy tờ quy định trước khi ra viện. Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia BHYT phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở KCB. Còn trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT, nếu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở KCB và cha/mẹ hay người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.

* Thuận lợi, nhanh gọn và chính xác

Một thực tế thời gian qua, nhiều người dân khi đi KCB vẫn còn lúng túng không biết phải mang những giấy tờ gì, dẫn đến tình trạng quên, thiếu, phải quay về nhà lấy hoặc phải chuyển ngày khám khi không mang đủ giấy tờ hợp lệ. Đối với cơ sở KCB, do không thể tích hợp và tra cứu đầy đủ các thông tin liên quan đến người bệnh nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Do đó, các quy định mới của Nghị định 75 nêu trên không chỉ giúp giảm thời gian làm thủ tục KCB của cả người dân lẫn cơ sở KCB, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác và hạn chế được vấn đề trục lợi BHYT trong thời gian qua.

Qua tìm hiểu từ các bệnh viện, việc sử dụng CCCD trong KCB đã được thí điểm từ tháng 3-2022 tại một số bệnh viện tuyến tỉnh và và đem lại thuận lợi cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, đặc biệt là những CCCD có gắn chip, bởi đã được tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân liên quan. Tuy nhiên, ở những trường hợp CCCD không gắn chip hoặc chưa có mã số định danh mức 2 thì gặp khó khăn vì thông tin BHYT chưa được cập nhật lên.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là đơn vị đầu tiên trong hệ thống y tế triển khai thí điểm ứng dụng KCB BHYT bằng CCCD. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, trước đây bệnh viện đã thực hiện thí điểm đăng ký KCB bằng CCCD nên thời gian tới áp dụng và triển khai đại trà thì bệnh viện cũng đã có nhiều kinh nghiệm về việc này.

Còn tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1,5-2 ngàn bệnh nhân đến KCB, trong số này có khoảng 10% không mang đầy đủ giấy tờ theo quy định; các trường hợp này bệnh viện không thể tiếp nhận. BS CKII Thái Thị Dịu, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, đối với những bệnh nhân có CCCD gắn chip thì thủ tục rất nhanh gọn, bộ phận tiếp nhận chỉ cần quét mã QR là có đầy đủ thông tin của bệnh nhân bao gồm cả BHYT.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang triển khai việc đổi thẻ BHYT giấy sang thẻ BHYT điện tử có ảnh để người dân có thể dùng BHYT điện tử đi KCB từ ngày 3-12.

Ở những bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến khu vực, hiện mỗi bệnh viện tiếp nhận từ 1-3 ngàn người đến KCB/ngày, trong đó có trên 80% người bệnh KCB có BHYT. Theo ông Phạm Minh Thành, khi tất cả cùng triển khai, chỉ cần quét mã QR trên CCCD hay thẻ BHYT điện tử, thời gian tiếp nhận và hoàn thành các thủ tục đăng ký KCB dự kiến giảm từ 50-70% và nhất là khi thông tin công dân đã được xác thực, đối chiếu tự động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ chống được việc trục lợi Quỹ BHYT.

Tác giả: Hạ Di

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây