Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tiêm vaccine ngừa HPV để loại bỏ ung thư cổ tử cung

(CTT-Đồng Nai) Trên 90% các ca bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC) có nguyên nhân từ việc nhiễm virus HPV. Việc nhiễm virus này hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua việc tiêm vaccine. Nghiên cứu đã được công bố cho thấy, nếu 90% trẻ em gái được tiêm ngừa HPV trước 15 tuổi thì có thể loại bỏ được UTCTC.
Phụ nữ cần được tầm soát và theo dõi sức khỏe để phát hiện và điều trị kịp thời nếu bị mắc ung thư cổ tử cung
Phụ nữ cần được tầm soát và theo dõi sức khỏe để phát hiện và điều trị kịp thời nếu bị mắc ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm nhưng nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hoàn toàn có thể điều trị thành công.

* Mỗi năm có 4 ngàn ca mắc mới UTCTC

Cách đây 4 năm, Chị A. đi tầm soát UTCTC và phát hiện có nhiễm virus HPV. Sau đó, chị phải thường xuyên đi khám và theo dõi. Ở giai đoạn sau này, trung bình mỗi tháng chị đi khám 1 lần và không nghĩ rằng bệnh có thể tiến triển thành ung thư đến mức phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung. Nhờ tầm soát và tuân thủ theo dõi định kỳ nên chị đã được phẫu thuật kịp thời. Sau một thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức, chị đã có thể đi làm trở lại.

Chị A. vui mừng cho biết, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời nên tinh thần chị khá ổn định. Điều khiến chị A. cảm thấy may mắn là chị đã thực hiện xong thiên chức làm mẹ với 2 cô con gái. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị đã tiêm phòng HPV đầy đủ cho các con và còn khuyên bạn bè nếu có con gái thì không nên bỏ qua mũi tiêm phòng quan trọng này, vì hơn 90% nguyên nhân gây nên UTCTC có liên quan đến virus HPV.

Không phải người phụ nữ nào cũng thực hiện tầm soát UTCTC và chịu khó khám, theo dõi định kỳ như chị A. Vì thế, rất nhiều phụ nữ đã phải ra đi vì căn bệnh này.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020, UTCTC là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ trên toàn cầu. Ở Việt Nam, thống kê năm 2020 cho thấy, có hơn 4 ngàn ca mắc mới và có gần 3 ngàn ca tử vong vì UTCTC. Một thống kê khác đã được Bộ Y tế công bố, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 14 phụ nữ mắc bệnh và 7 phụ nữ tử vong do UTCTC.

BS Đinh Thị Vân, Phó trưởng khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, phụ nữ cần tầm soát sớm UTCTC, bởi vì căn bệnh này có thời gian tiến triển thầm lặng và lâu dài, trung bình từ 10-20 năm. Vì vậy, nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Không phải tất cả những trường hợp nhiễm virus HPV đều trở thành UTCTC. Bởi theo diễn tiến tự nhiên của HPV, có đến 90% trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi (tự thoái triển trong vòng 1-2 năm). Chỉ có những trường hợp nhiễm HPV dai dẳng (tồn tại trên 2 năm) hoặc nhiễm HPV tái đi tái lại nhiều lần hoặc người nhiễm HPV có các yếu tố nguy cơ (viêm nhiễm phụ khoa, sức đề kháng kém, ức chế thuốc…) thì virus HPV mới gây nên ung thư.

Việc tiêm vaccine phòng virus HPV chính là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa UTCTC.
Nếu 90% trẻ em gái được tiêm ngừa HPV trước 15 tuổi thì có thể loại bỏ được ung thư cổ tử cung
Nếu 90% trẻ em gái được tiêm ngừa HPV trước 15 tuổi thì có thể loại bỏ được ung thư cổ tử cung

* Tiêm vaccine phòng HPV để loại trừ UTCTC

Tháng 5-2023, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) phối hợp cùng Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Đại học Victoria và Viện Daffodil (Australia) đã công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể loại trừ UTCTC trong 30 năm tới nếu nhân rộng tiêm chủng HPV.

Chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm thanh toán UTCTC vào năm 2030 kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện tiêm vaccine ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi. Chiến lược này đề ra mục tiêu 70% phụ nữ được sàng lọc UTCTC, 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư hoặc ung thư có thể tiếp cận các phương pháp điều trị.

Trước đó, ngày 15-8-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030, theo đó đưa vaccine phòng bệnh UTCTC vào chương trình từ năm 2026; đồng thời, cho phép các địa phương nếu bố trí được kinh phí thì có thể triển khai sớm hơn cho người dân.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai và một số đơn vị tiêm chủng có thực hiện tiêm vaccine phòng virus HPV cho đối tượng từ 9-26 tuổi, trong đó có cả loại vaccine có thể tiêm ngừa được cho trẻ em - thanh niên nam.

Đối với nam giới, việc tiêm vaccine phòng virus HPV có thể giúp phòng ngừa các loại ung thư: ung thư dương vật, ung thư hậu môn…

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc UTCTC vẫn còn thấp. Theo Điều tra các chỉ tiêu mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về phụ nữ và trẻ em do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2021 với sự hỗ trợ của UNFPA và UNICEF, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 đã được tiêm vaccine ngừa UTCTC và chỉ 28% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc UTCTC.
Hoàng Giang

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang