Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Số ca ngộ độc rượu ngày càng gia tăng

Tình trạng ngộ độc rượu rất đáng báo động bởi trong 2 năm gần đây, số ca ngộ độc rượu ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp trong số đó tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bị ngộ độc.

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu phải lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu phải lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nhiều trường hợp tử vong

Có 2 loại ngộ độc rượu chính thường xảy ra là ngộ độc Ethanol và ngộ độc Methanol. Ngộ độc Ethanol gặp chủ yếu qua đường uống rượu, bia. Ethanol gây độc trên hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Trong khi đó, Methanol được dùng thông dụng trong công nghiệp hóa chất cũng như đời sống. Ngộ độc rượu Methanol có thể do uống nhầm hoặc hoạt động gian lận trong kinh doanh pha chế rượu từ cồn công nghiệp.

BS Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, mới đây, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 1 nam bệnh nhân 60 tuổi bị ngộ độc rượu (Methanol). Các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu.

Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân điều trị tại khoa cho thấy, bệnh nhân và 1 người nữa cùng là bảo vệ của 1 cơ quan trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Do trực đêm nên cả 2 người cùng uống rượu, hiện chưa rõ uống nhiều hay ít nhưng sau đó, cả 2 bệnh nhân đều có triệu chứng nhức đầu, nôn ói, tri giác lơ mơ.

1 trong 2 bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn được chuyển từ Trung tâm y tế H.Nhơn Trạch lên khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trước khi nhập viện khoảng 10 phút, bệnh nhân bị ngưng tim, được ép tim trên xe cấp cứu, vào khoa Cấp cứu tiếp tục được ép tim và có tim trở lại, được chỉ định lọc thận ngay. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc. Tình trạng bệnh nhân rất nặng, vừa toan chuyển hóa máu vừa tăng kali, khả năng bị tổn thương não do thời gian ngưng tim kéo dài quá 3 phút. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu nhằm cải thiện chức năng thận vì thận đã suy, điều trị tình trạng nhiễm trùng nặng gây choáng.

“Kết quả thử nồng độ Methanol cho thấy nồng độ Methanol trong cơ thể bệnh nhân rất cao. Cồn Methanol rất độc, chỉ cần uống 1 ngụm nhỏ rượu có chứa Methanol là có thể bị ngộ độc nặng” - BS Châu cho hay.

Trong nghiên cứu mới đây của các bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Xuân Hoàng và điều dưỡng Thị Tuyết Nhung, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ tháng 10-2021 đến tháng 2-2022, khoa Cấp cứu tiếp nhận 17 ca nhập viện vì ngộ độc Methanol. 88% bệnh nhân là nam giới trong độ tuổi lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc do vô ý sử dụng phải rượu không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Địa bàn xảy ra ngộ độc chủ yếu ở TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch. 9/17 bệnh nhân bị ngộ độc Methanol tử vong, 8 trường hợp được xuất viện, trong đó có nhiều trường hợp để lại di chứng.

Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu
Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu

Bia, rượu gây nhiều tác hại khôn lường

BS Lê Thị Thu Hà, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, triệu chứng ngộ độc Methanol thường xảy ra 18-24 giờ sau khi uống rượu. Tùy từng mức độ, người bị ngộ độc sẽ cảm thấy nhức đầu, nhìn mờ hoặc mù mắt, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, thở nhanh, suy hô hấp, hôn mê, co giật.

Có một số bệnh nhân nhập viện trễ do triệu chứng đến trễ hoặc do sự chủ quan của người bệnh, chỉ khi thấy sức khỏe có sự bất thường lớn mới vào viện.

“Trên thực tế, tình trạng ngộ độc Methanol có lẽ xảy ra nhiều hơn so với những gì đã được ghi nhận. Trong khi đó, vấn đề điều trị ngộ độc Methanol còn hạn chế, những biện pháp điều trị như lọc máu là những biện pháp điều trị cần bác sĩ có chuyên môn sâu và nhiều máy móc với chi phí rất cao. Do vậy, tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa ngộ độc Methanol là việc rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân để họ tự nhận biết và đến bệnh viện sớm, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra” - BS Thu Hà đề xuất.

Theo BS Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, ngoài những trường hợp bị ngộ độc Methanol do vô tình uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, cũng có những trường hợp nghiện rượu, trong thời gian thực hiện cách ly không thể đi mua rượu uống đã uống chai cồn sát khuẩn tay nhanh dẫn đến ngộ độc.

Các bác sĩ cảnh báo, việc sử dụng quá nhiều chất cồn từ bia, rượu sẽ khiến người sử dụng bị các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần, hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, bệnh tim mạch…

Chỉ cần uống một lượng khoảng 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt là não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia thường bị hạn chế trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông, rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Đồ uống có cồn cũng ảnh hưởng đến khả năng tình dục và có con. Nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục không chỉ làm tăng khả năng sảy thai ở người vợ mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con được sinh ra. Nếu người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang