(CTT-Đồng Nai) - Vừa qua, nhiều bệnh nhân bị tai nạn, bị bệnh nặng dẫn đến ngưng tim, ngưng thở trong thời gian dài đã được các y, bác sĩ của các bệnh viện trong tỉnh kịp thời cứu sống ngoạn mục bằng các kỹ thuật cao.
Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị sét đánh được cứu sống
Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị sét đánh được cứu sống
Cứu bệnh nhân bị sét đánh, điện giật
Mới đây, bệnh nhân D.T.V., (13 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, tạm trú huyện Trảng Bom) bị sét đánh và bệnh nhân T.N.T.T., (15 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) bị điện giật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở ngoại viện 20 phút đã được các y, BS của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất cứu sống ngoạn mục. Cả 2 bệnh nhân đều được điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.
BS Trịnh Vũ Thu Hằng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, sau khi nhận được tin báo có người bị sét đánh, bệnh viện đã nhanh chóng điều xe cấp cứu đến nơi để cấp cứu ban đầu rồi đưa bệnh nhân về bệnh viện để tiếp tục cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn 2 bên, không có phản xạ ánh sáng. Các y, BS đã chạy đua với “tử thần” để bệnh nhân có tim, có huyết áp trở lại. Sau đó cho bệnh nhân thở máy, duy trì thuốc chống loạn nhịp và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị chuyên sâu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, rối loạn nhịp tim nặng. Các BS đã hội chẩn khẩn, cho bệnh nhân thở máy, sử dụng thuốc chống loạn nhịp và hạ thân nhiệt chỉ huy. Sau 2 tuần được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân V. hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Còn bệnh nhân T.N.T.T., bị điện giật cũng được các BS Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu tương tự. Sau khi được cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, hạ thân nhiệt xuống còn 34 độ C trong 3 ngày rồi nâng nhiệt độ lên dần và ngưng dùng máy hạ thân nhiệt sau 5 ngày.
Hiện, bệnh nhân T. đã cai máy thở, tự thở được, tay chân cử động được, có phản xạ đau, phản xạ ho, đang tiếp tục được điều trị oxy cao áp và tập phục hồi chức năng tại bệnh viện.
Bệnh nhân bị điện giật dẫn đến ngưng tim được cứu sống ngoạn mục
Bệnh nhân bị điện giật dẫn đến ngưng tim được cứu sống ngoạn mục
Bước tiến quan trọng của bệnh viện
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện phối hợp cấp cứu và điều trị thành công ngoài mong đợi cho bệnh nhân bị sét đánh nghiêm trọng. Bởi lẽ hầu hết các trường hợp bị sét đánh đều không qua khỏi, luồng điện rất mạnh chạy qua cơ thể sẽ gây tổn thương ngưng tim ngay lập tức. Ngưng tim kéo dài thường để lại những di chứng rất nguy hiểm như chết não, bệnh nhân nếu sống sót sẽ phải sống đời thực vật, tay chân co giật… Còn trường hợp bệnh nhân V. đã xuất viện mà không để lại di chứng gì.
Thạc sĩ - BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân một cách chủ động. Nhiệt độ cơ thể bệnh nhân sẽ xuống dưới mức nhiệt độ sinh lý bình thường, tức là sẽ ở mức 33 - 36 độ C trong vòng 24 - 72 giờ. Mục đích nhằm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh sau ngưng tuần hoàn cho bệnh nhân.
Theo BS Trang, những bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở dù được cứu sống nhưng thường để lại các di chứng tổn thương não rất nặng nề như: mất trí nhớ, co giật, liệt nửa người, nặng hơn có thể liệt toàn thân, hôn mê sống đời sống thực vật. Việc hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ giúp não bệnh nhân bớt phù, bớt viêm, giúp tưới máu và cung cấp oxy não tốt hơn. Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi ý thức và vận động tốt hơn.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 14%, giảm tỷ lệ di chứng nặng 11%. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thực hiện 4 ca hạ thân nhiệt chỉ huy.