Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bị chó cắn mà không đi tiêm vaccine, 1 phụ nữ tử vong

(CTT-Đồng Nai) - Trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong vì bệnh dại kể từ đầu năm 2024 đến nay.
 
Hướng dẫn phòng ngừa bệnh dại của Bộ Y tế
Hướng dẫn phòng ngừa bệnh dại của Bộ Y tế

Tử vong sau 3 tháng bị chó cắn

Bác sĩ Bùi Thái Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cho hay, trường hợp tử vong là bà N.T.N.B., 44 tuổi, hiện đang sinh sống tại ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, khoảng giữa tháng 5-2024, bà B. có xin 1 con chó nhỏ (chưa rõ địa điểm xin vì bệnh nhân đã tử vong) về nuôi tại phòng trọ. Đến ngày 25-5, vợ chồng bà B. thấy con chó bị ốm nên cho uống thuốc thì bị chó cắn nhẹ ở tay của cả 2 người.

Vợ chồng bà B. sau đó có đi xử lý vết thương ở một phòng khám tư nhân, được nhân viên y tế tư vấn đi tiêm vaccine ngừa bệnh dại nhưng không đi tiêm. Khoảng 5 ngày sau đó, con chó này chết. Đến trưa ngày 29-8, bà B. lên cơn sốt, đến phòng khám tư nhân truyền dịch nhưng không đỡ. Tối cùng ngày, bà B. có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu, mệt mỏi, đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc khám, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khám và được chẩn đoán dương tính với virus dại.

Đến khoảng 19 giờ ngày 30-8-2024, bà B. tử vong.

Chồng bà B. là ông N.V.T., 53 tuổi, hiện tại sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận triệu chứng bất thường. Ông T. đã được tuyên truyền và hướng dẫn đi tiêm vaccine và huyết thanh phòng ngừa bệnh dại tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo điều tra của cơ quan y tế huyện Xuân Lộc, ngoài 2 vợ chồng ông T., đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị con chó dại nói trên cắn và cũng chưa xác định được nguồn lây bệnh dại cho con chó đã cắn vợ chồng ông T.

Tại khu vực bà B ở trọ có nuôi 3 con chó, hiện chưa liên lạc được với chủ nuôi chó. Khu vực bà B ở trọ​ cách ổ dịch 150m có nuôi 12 con chó, tất cả đều bình thường và chưa được tiêm phòng dại. Trạm bộ đội cách ổ dịch 200m có nuôi 4 con chó, chưa được tiêm vaccine phòng dại.

Bác sĩ Bùi Thái Chiến cho hay, ngay sau khi ghi nhận ổ dịch chó dại trên địa bàn huyện, các phòng, ban liên quan đã phối hợp với địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa bệnh dại trên các phương tiện truyền thông. Tư vấn các hộ gia đình nuôi nhốt chó mèo và theo dõi các triệu chứng mắc bệnh dại trên động vật. Nếu có triệu chứng phải lập tức thông báo cho trạm y tế xã và nhân viên thú y huyện.

Đồng thời, phối hợp với trạm Thú y huyện tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho tất cả đàn chó trong khu vực, quanh ổ dịch. Người dân cần chú ý cảnh giác với những con chó lạ, chó thả rông trên địa bàn vì tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong cộng đồng rất cao.
Tiêm vaccine phòng dại cho một phụ nữ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tiêm vaccine phòng dại cho một phụ nữ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Quyết liệt triển khai tiêm vaccine phòng dại cho chó

Nhằm phòng ngừa dịch bệnh dại lây lan trên diện rộng, UBND huyện Xuân Lộc đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các xã Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Hòa triển khai các biện pháp nhằm quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, giao cho Trạm chăn nuôi - thú y huyện triển khai cho viên chức, lực lượng nhân viên thú y phối hợp với UBND các xã triển khai rà soát tổng đàn, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó mèo. Triển khai cho các tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh chó mèo trên địa bàn huyện biết, nếu phát hiện chó mèo nghi mắc bệnh dại trong quá trình khám, chữa bệnh phải báo ngay cho Trạm chăn nuôi - thú y để xử lý kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, so với năm ngoái, năm nay tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp hơn với nhiều ổ dịch bệnh dại trên động vật. Mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa tự giác tiêm vaccine phòng bệnh cho chó, mèo nuôi, vẫn còn thả rông chó mèo mà không đeo rọ mõm. Đặc biệt, có những trường hợp bị chó, mèo cắn, đã được tư vấn đi tiêm vaccine nhưng vẫn chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Bệnh dại rất nguy hiểm, một khi đã nhiễm bệnh và lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong, chưa có thuốc gì để cứu chữa. Do vậy, người dân cần đặc biệt lưu tâm, không vì chủ quan do đó là chó, mèo nhà nuôi hoặc vì lý do nào đó mà không đi tiêm vaccine sau khi bị chó, mèo cắn. Chỉ có tiêm vaccine mới có khả năng phòng ngừa được bệnh dại.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có các quy định cụ thể về việc nuôi nhốt chó, mèo, tiêm vaccine cho chó, mèo nhưng việc triển khai chưa quyết liệt. Vẫn còn nhiều hộ gia đình thả rông chó mèo, không tiêm vaccine cho chó, mèo nhưng không bị xử lý dẫn đến không mang tính răn đe. Bởi vậy, tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine phòng dại đến nay vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại.

Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa virus dại trong hang dơi.
Việt Anh

Các tin khác

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

    Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
    Điện thoại: (0251).3847292.
    Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

    ipv6 ready

    Chung nhan Tin Nhiem Mang