Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Những điều cần biết về bệnh sởi

(CTT-Đồng Nai) - Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên, do đó cần có hiểu biết và thông tin về dịch bệnh này.
Các nốt phát ban nổi trên cánh tay bệnh nhi mắc sởi
Các nốt phát ban nổi trên cánh tay bệnh nhi mắc sởi

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên (virus Polinosa morbillarum). Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.

Triệu chứng của bệnh sởi

Thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).
Giai đoạn khởi phát ban đầu (2-4 ngày): người bệnh sốt cao, đau họng, chảy mũi, viêm kết mạc (đỏ mắt, chảy nước mắt), tiêu chảy, mệt mỏi.
Giai đoạn toàn phát (2-5 ngày): người bệnh tiếp tục diễn tiến các triệu chứng giai đoạn khởi phát, kèm phát ban rải rác toàn thân (hồng ban dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất). Hồng ban lan từ sau tai, gáy, lan ra trán, mặt, cổ rồi dần lan đến thân mình và tứ chi (cả lòng bàn tay, chân). Khi phát ban thì người bệnh dần giảm sốt.
Giai đoạn hồi phục (kéo dài 1-2 tuần): ban nhạt màu dần, rồi sang màu xám, bong vảy và để lại vết thâm vằn da hổ, và biến mất theo thứ tự ban xuất hiện. Người bệnh có thể ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết phát ban.

Chẩn đoán bệnh sởi

Yếu tố dịch tễ: tiếp xúc với người bệnh sởi, có nhiều người mắc bệnh Sởi trong gia đình hoặc địa phương.
Triệu chứng: sốt, ho, hội chứng viêm long (chảy mũi, nước mắt, đỏ mắt, tiêu chảy…), hạt Koplik và phát ban đặc trưng của bệnh Sởi.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Điều trị và phòng ngừa

Bổ sung Vitamin A, bù nước và điện giải.
Phát hiện và điều trị biến chứng của bệnh sởi.
Điều trị triệu chứng: sốt, ho, chảy mũi, viêm kết mạc, tiêu chảy…
Tất cả bệnh nhân sởi có biến chứng cần nhập viện điều trị.
Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất, nên tiêm ngừa cho trẻ em từ 9 tháng tuổi.

Cách ly người bệnh sởi: từ lúc nghi mắc sởi đến ít nhất 4 ngày tính từ ngày phát ban.
Vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ
Việt Anh

Các tin khác

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

    Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
    Điện thoại: (0251).3847292.
    Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

    ipv6 ready

    Chung nhan Tin Nhiem Mang