Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đưa hình ảnh Bác Hồ vào sáng tác nghệ thuật

(CTT-Đồng Nai) Mới đây, trong triển lãm chuyên đề “Dấu ấn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” diễn ra tại Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa) tất cả 120 hiện vật được trưng bày đều là những sáng tác của họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.
Ông Nguyễn Quốc Trọng giới thiệu tác phẩm chân dung Bác bằng chỉ
Ông Nguyễn Quốc Trọng giới thiệu tác phẩm chân dung Bác bằng chỉ

Trước khi có triển làm này, họa sĩ Quốc Trọng được mọi người biết đến là cá nhân chuyên thực hiện tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác Hồ trên nhiều chất liệu.

Tạo xu hướng trong sáng tác

Họa sĩ Quốc Trọng cho hay, ông theo đuổi 2 xu hướng sáng tác là thương mại và đam mê. Với cái đầu tiên, ông thiết kế nội, ngoại thất các công trình nhằm duy trì cuộc sống gia đình. Điều này giúp ông có điều kiện nuôi dưỡng đam mê sáng tạo tác phẩm nghệ thuật về Bác và giảng dạy mỹ thuật, đồ họa cho lớp trẻ. Ở mảng nào ông cũng cố gắng cho ra đời tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, nội dung tư tưởng tích cực.

Họa sĩ Quốc Trọng chia sẻ: “Các tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ đã được văn nghệ sĩ sáng tác với số lượng khổng lồ. Vậy nên, khi theo đuổi niềm đam mê đưa hình ảnh của Bác vào tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi tôi vừa học theo những điều mọi người đã và đang làm, đồng thời tìm lối đi riêng. Từ đó, trong quá trình làm nghệ thuật xây dựng nét riêng cho bản thân”.

Để có được những tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ giới thiệu đến công chúng thông qua các loại hình: tranh, ảnh, tượng, thư pháp, sách ảnh… với nhiều kích thước, công năng sử dụng khác nhau, họa sĩ Quốc Trọng đã có niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo trong thể hiện hình ảnh của Bác.

Một số tượng Bác được ông thực hiện với nhiều kích thước khác nhau thông qua chất liệu, công nghệ mới. Theo ông Trọng, với lợi thế là giảng viên đồ họa thỉnh giảng tại nhiều trường cao đẳng, đại học tại Đồng Nai, Bình Dương nên ông chủ động đưa những ứng dụng công nghệ vào sáng tạo tác phẩm. Trong đó, ông bắt tay vào thực hiện tượng theo hình thức in 3D. “Có thể sản xuất đồng loạt với hình dạng đồng nhất, kích thước tương đương, song do bằng nhựa nên nhẹ hơn, độ bền cao hơn tượng thạch cao” - ông Quốc Trọng nói.

Ngoài ra, ông cũng sử dụng kỹ thuật khắc gỗ, vẽ bút sắt trên gỗ, vẽ trên mành tre… để lưu giữ hình ảnh của Bác kết hợp cùng những bài thơ của Bác bằng hình thức thư pháp với nhiều kích thước khác nhau. Trong số này, bức tranh thư pháp Bác Hồ trên mành tre được ghép từ 455 thanh tre, mỗi thanh dài 312cm, rộng 2,5cm với tổng khối lượng 122kg được xác lập kỷ lục Việt Nam là bức họa chân dung Bác Hồ trên mành tre lớn nhất.

Ngoài sáng tác tranh, tượng bán thân, toàn thân về Bác bằng chất liệu thạch cao, tranh sơn dầu…, họa sĩ Quốc Trọng cho ra đời tác phẩm trên những chất liệu mới. Một trong số này là dựng chân dung Bác bằng chỉ.

Theo đó, để làm nên sản phẩm này, ông sử dụng đinh đóng trên ván theo hình khối để tạo khung. Tiếp đó, ông sử dụng chỉ từ cuộn duy nhất để “đắp” đường nét. Bên cạnh nguyên liệu, nguyên tắc sáng tối trong sáng tác tranh được ông tận dụng để tạo hiệu ứng cho tác phẩm. “Nhìn bức tranh rất đơn giản, song để hoàn thành cần nhiều thời gian và làm đi làm lại rất nhiều lần mới hoàn chỉnh” - ông Quốc Trọng chia sẻ.
Người dân tham quan những tác phẩm về Bác được thể hiện trên nhiều chất liệu do họa sĩ Quốc Trọng thực hiện.
Người dân tham quan những tác phẩm về Bác được thể hiện trên nhiều chất liệu do họa sĩ Quốc Trọng thực hiện.

Tìm thị trường cho tác phẩm nghệ thuật

Song song với sáng tác thì việc làm sao tạo nên thị trường cho sản phẩm là điều được hõa sĩ Quốc Trọng tìm tòi.

Họa sĩ Quốc Trọng cho hay, từ gợi ý của bạn bè là mong muốn có những bức tượng kích thước nhỏ về Bác và có giá cố định để trưng bày trong xe hơi, bàn làm việc, ông thực hiện nhiều sản phẩm tượng bán thân có kích thước nhỏ bằng nhiều chất liệu, màu sắc khác nhau. Thêm vào đó, để sản phẩm nghệ thuật về Bác được quảng bá rộng rãi hơn, ông tự ghi hình sản phẩm kèm theo thuyết minh để giới thiệu tác phẩm đến mọi người thông qua các trang Zalo, Facebook, YouTube.


Ngoài ra, Phòng tranh Đức Trí (đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) do vợ chồng ông phụ trách còn là địa chỉ quen thuộc được người dân, cơ quan đơn vị tìm đến nhờ phục dựng lại tượng, tranh về Bác Hồ với giá hữu nghị trên tinh thần hỗ trợ là chính. Ông sẵn sàng đưa “miễn phí” các tác phẩm do mình tạo ra tham gia vào các hoạt động triển lãm, nhất là triển lãm tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ. Ông còn thường xuyên gửi tặng tranh về Bác cho một số đơn vị có tổ chức đấu giá gây quỹ hỗ trợ học sinh khó khăn.

Để làm được điều này, trước hết theo họa sĩ Quốc Trọng tác phẩm phải hướng đến sự tiện dụng. Điều này trước hết tạo nên đầu ra cho sản phẩm, sau là qua đó đưa hình ảnh của Bác đến gần hơn với sinh hoạt của cộng đồng.

Đặc biệt, ông đang trong quá trình hoàn thành xuất bản sách online về Bác Hồ. Sách tập trung hình ảnh về Bác đã được phục dựng thông qua ứng dụng công nghệ. Nguyên tắc là vẫn bám sát ảnh gốc, từ đó phục dựng lại nhằm đảm bảo tính chân thật nhất. Khi phát hành, sách đính kèm ảnh gốc và đã phục chế để người có nhu cầu sử dụng ảnh Bác có thể dễ dàng tìm kiếm ảnh, so sánh.
Nguyễn Vân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang