Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ưu tiên nguồn lực đầu tư nước sạch nông thôn

Nước sạch nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vì nước sạch liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Nhà máy nước Thanh Sơn, H.Định Quán được đầu tư công nghệ hiện đại đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho người dân nông thôn
Nhà máy nước Thanh Sơn, H.Định Quán được đầu tư công nghệ hiện đại đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho người dân nông thôn

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, dự kiến trong năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục triển khai thi công mới 10 công trình cấp nước sạch nông thôn, đấu nối mở rộng phạm vi cấp nước từ công trình cấp nước đô thị với khoảng 1.985 km đường ống, tổng công suất khoảng 156.410 m3/ngày.

Ưu tiên đầu tư

Nhờ được tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho tiêu chí nước sạch nông thôn gắn với phong trào xây dựng NTM tại các địa phương nên năm 2022, đầu tư cho nước sạch nông thôn đạt kết quả ấn tượng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, trong năm 2022, toàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành 7 công trình cấp nước sạch nông thôn với tổng công suất thiết kế 2.680 m3/ngày đêm. Trong đó có 1 công trình đã đi vào hoạt động và đang cung cấp nước cho người dân; 6 công trình xây dựng hoàn thành, đang lập thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng và triển khai lắp đặt đồng hồ sử dụng nước cho người dân. Ngoài ra, có 3 công trình đang được triển khai xây dựng tại huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất với tổng công suất thiết kế 104.430 m3/ngày đêm.

Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đầu tư nước sạch nông thôn cho các xã vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 công trình gồm: công trình cấp nước tập trung liên xã Phú Lợi - Phú Tân (H.Định Quán); dự án Nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung xã Thừa Đức và dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước tập trung xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Có 2 công trình cấp nước sạch nông thôn đang thi công xây dựng gồm: công trình cấp nước tập trung liên xã La Ngà - Phú Ngọc - Ngọc Định (H.Định Quán) và công trình cấp nước tập trung xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Ngoài ra, các công trình cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh đã mở rộng các tuyến ống cấp nước thêm cho gần 380,6 ngàn hộ dân thuộc các địa bàn H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu, H.Long Thành…

Theo đó, năm 2022, Đồng Nai duy trì 100% số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 82,65% người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, vượt so với chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. Đặc biệt, đây là năm có tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung tăng cao.

Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, ngoài tập trung nguồn lực đầu tư các công trình nước sạch nông thôn, tỉnh cũng mở rộng phạm vi đấu nối từ công trình cấp nước đô thị cho các vùng nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung từ 26,74% lên 34,81% trong năm 2022. Đây là những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết của tỉnh ủy, nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi và thích ứng biến đối khí hậu giai đoạn 2020 – 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Chú trọng cả số lượng, chất lượng

Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu nâng cao tỷ lệ các hộ dân sử dụng nước sạch nông thôn. Mục tiêu phấn đấu năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 83,5%.

Trong đó, có giải pháp tăng công suất của các công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư. Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi, hiện toàn tỉnh có 88 công trình cấp nước tập trung, trong đó 56 công trình đang hoạt động với tổng công suất trên 64 ngàn m3/ngày đêm. Hiệu suất khai thác từ các công trình cấp nước tập trung chưa cao, chỉ mới đạt hơn 50,2%. Nguyên nhân các công trình chưa đạt công suất do tại một số khu vực dân cư người dân vẫn đang sử dụng nước từ hai nguồn gồm công trình cấp nước tập trung và giếng khoan, giếng đào hộ gia đình. Mặt khác, do nhiều công trình được xây dựng ở vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa thớt, nên số lượng người dân sử dụng nước còn thấp.

Tuy có khó khăn nhưng một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho các dự án nước sạch nông thôn. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư và thương mại 407 (TP.HCM) chia sẻ, chủ trương là cung cấp nước cho 4 xã và một phần thị trấn Tân Phú, thiết kế 10 ngàn m3/ngày đêm nhưng hiện khai thác chưa hết công suất. Khó khăn là vì nhiều khu vực rất thưa dân, địa bàn rộng nên chi phí đầu tư đường ống dẫn nước cao, chi phí bảo trì lớn trong khi khai thác chưa hiệu quả vì nhiều hộ dân quen sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp tin tưởng hiệu quả dự án khi người dân thay đổi nhận thức chọn sử dụng nước sạch, an toàn.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, chỉ tiêu nước sạch nông thôn với yêu cầu sử dụng nước từ nguồn cấp nước tập trung, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT đề nghị các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh mở rộng cấp nước về nông thôn. Tuy nhiên, hiện hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn đã được đầu tư nhưng hoạt động chưa hiệu quả, nên chuyển giao để quản lý hệ thống này tốt hơn nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch từ các công trình đã có.
Phan Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang