Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bệnh ho gà tái xuất, phòng ngừa ra sao?

(CTT-Đồng Nai) - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận ca bệnh ho gà mới tại thành phố Biên Hòa, nâng tổng số ca bệnh ho gà từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh lên 8 ca.
Rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh ho gà lây lan
Rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh ho gà lây lan

Diễn tiến ca bệnh

Bệnh nhân là bé gái L.T.C., 4 tháng tuổi, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, bé C. được sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau sinh bé khỏe, bú mẹ tốt, đã được tiêm vaccine lao, viêm gan B. Hồi tháng 5-2024, bé C. đã tiêm mũi 1 vaccine có thành phần ho gà.
Đầu tháng 6-2024, bé bắt đầu có triệu chứng ho nhẹ, khò khè. Gia đình đưa bé đi khám tại phòng khám tư nhân và được chẩn đoán viêm phế quản, điều trị ngoại trú 6 ngày nhưng không giảm ho. Thấy con ho ngày càng nhiều, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh khám, được chẩn đoán viêm phế quản, điều trị ngoại trú 4 ngày nhưng vẫn không hết ho.

Ngày 16-6, bé bắt đầu ho nhiều, ho từng cơn kéo dài, sau cơn ho bé có nôn và đỏ mặt, mỗi ngày ho từ 5-7 cơn. Gia đình tiếp tục đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh để khám và nhập viện. Kết quả xét nghiệm, bé dương tính với bệnh ho gà. Đến nay, bé C. đang được tiếp tục điều trị, đã đỡ ho.

Bệnh ho gà là bệnh về đường hô hấp, lây qua giọt bắn nên dễ lây lan. Trẻ em dưới 1 tuổi thường có diễn biến ở mức độ nặng hơn. Đặc trưng của bệnh là bệnh nhi ho kéo dài cùng tiếng rít the thé (giống tiếng gà). Tuy nhiên, thời gian đầu, các biểu hiện của bệnh như sốt, ho, hắt hơi nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác.

Sau khi ghi nhận ca bệnh ho gà, lực lượng y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên trong gia đình bé đi tiêm vaccine có thành phần ho gà, đưa 2 bé nhỏ khác trong gia đình bé C. đi xét nghiệm nếu vẫn có triệu chứng sốt, ho. Lập danh sách những người đã tiếp xúc với bé C. để quản lý; hướng dẫn cách ly, xử lý môi trường xung quanh để phòng bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh ho gà (sau 4 năm vắng bóng đã xuất hiện trở lại), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Ytế thành phố Biên Hòa và Trạm Y tế phường Phước Tân điều tra đối tượng trẻ từ 2 tháng đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi đối với vaccine có thành phần ho gà để dự trù vaccine, lập kế hoạch tiêm bù tiêm vét theo hướng dẫn. Đồng thời báo cáo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế biết và chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.
Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ tại CDC Đồng Nai
Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ tại CDC Đồng Nai

Đường lây và cách phòng bệnh

Bệnh ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học,…

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên (đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi,…), mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ hơn so với trẻ nhỏ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày.

Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não cũng là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, có tỷ lệ di chứng và tử vong cao.

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm vaccine ho gà đủ liều và đúng lịch.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Hiện nay, vaccine phòng bệnh ho gà được tiêm miễn phí cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Với lịch tiêm như sau:
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, các vaccine có thành phần ho gà cũng được cung cấp theo hình thức tiêm chủng dịch vụ tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và các cơ sở tiêm chủng khác.
Bảo Ngọc

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang