Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số

(CTT-Đồng Nai) - Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 50 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm 6,5% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sống rải rác, xen kẽ nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Long Khánh.
Biểu diễn cồng, chiêng ở Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố Long Khánh.
Biểu diễn cồng, chiêng ở Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố Long Khánh.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm.

Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS gắn với triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả 16 Nhà văn hóa dân tộc Chơ ro, Xtiêng, Mạ và Chăm tại các huyện: Tân Phú, Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Cẩm Mỹ.

Đồng thời, bảo tồn, khôi phục và phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc như: lễ hội Sayangva (dân tộc Chơro); Yang Bơ nơm, Yang Koi (dân tộc Mạ); Tả tài phán của người Hoa; Chôlchnămthmây, Sendolta, Ocomboc (dân tộc Khmer); Ramandan, Maji (dân tộc Chăm); Lồng Tồng (dân tộc Tày); Tả tài phán (dân tộc Hoa)…. Qua các lễ hội tạo không khí tươi vui, đoàn kết và thân ái tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã sưu tầm và lưu giữ 384 hiện vật văn hóa vật thể của các DTTS trong tỉnh. Bảo tàng, Nhà truyền thống các huyện, thành phố, Nhà Văn hóa các dân tộc trưng bày hơn 2 ngàn hiện vật, hình ảnh, tư liệu nhằm giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh; thực hiện 3 cuộc triển lãm chuyên đề; hoàn thành công tác kiểm kê lễ hội truyền thống các dân tộc trên địa bàn các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Cẩm Mỹ; lập hồ sơ khoa học Lễ hội Chùa Ông (dân tộc Hoa) và Lễ hội Sa Yang Va (dân tộc Chơ ro) đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, thực hiện hơn 50 bài viết nghiên cứu về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, tập san khoa học, biên soạn và xuất bản sách “Phong tục tập quán người Tày (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) năm 2023.

Hàng năm, thực hiện bổ sung các tài liệu tác phẩm văn học dân tộc; tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển văn hóa, vùng miền các dân tộc; từ điển tra cứu ngôn ngữ các dân tộc; báo, tạp chí phục vụ đồng bào DTTS trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc.

Ngoài ra, việc tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các DTTS được tổ chức định kỳ 2 năm/lần cũng là một trong những hoạt động vừa nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, vừa phát huy, quảng bá vùng đất và con người Đồng Nai.
Dương An

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang