(CTT-Đồng Nai) - Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Đồng Nai lần thứ V-2024 đang diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 12 đơn vị, hơn 900 vận động viên.
Với sự tụ hội sắc màu văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng, độc đáo của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang được kỳ vọng sẽ tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu tại ngày hội, góp phần bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch Đồng Nai nói chung, các huyện, thành phố nói riêng.
Đồng bào Chăm, huyện Xuân Lộc biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai 2024
Đồng bào Chăm, huyện Xuân Lộc biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai 2024
Hội tụ sắc màu văn hóa, tín ngưỡng dân gian…
Trên địa bàn huyện Thống Nhất có 24 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào DTTS có hơn 2,2 ngàn hộ, trên 8 ngàn nhân khẩu, tập trung nhiều nhất ở các xã: Lộ 25, Xuân Thiện, Hưng Lộc, Bàu Hàm 2. Đến với Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS tỉnh Đồng Nai năm nay, huyện Thống Nhất huy động lực lượng khá hùng hậu với 160 thí sinh, vận động viên tham gia các nội dung: thi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, ná, đẩy gậy, cà kheo, việt dã, kéo co) và thi văn nghệ, trình diễn trang phục, giao lưu ẩm thực.
Già làng Thổ Nơi (ngụ xã Xuân Thiện) cho hay, đồng bào Chơro ở địa phương rất phấn khởi khi được tham gia ngày hội, đưa văn hóa của người Chơro giao lưu, giới thiệu cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh. Để đến với ngày vui này, bà con đã dành thời gian tập luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần giao lưu, học hỏi và khẳng định tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
“Cùng với tham gia ngày hội, nhiều năm qua, đồng bào Chơro ở xã Xuân Thiện đã và đang duy trì nhiều nét văn hóa độc đáo. Nổi bật có gìn giữ, tái hiện biểu diễn cồng chiêng, trang phục, các món ăn truyền thống, múa dân gian… tại nhà văn hóa dân tộc, thu hút người dân và du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm” - già làng Thổ Nơi chia sẻ.
Huyện Trảng Bom có 31 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào các DTTS chiếm 10,15% dân số với hơn 37,6 ngàn nhân khẩu. Đặc biệt, Trảng Bom là địa phương có đông người Hoa sinh sống, chiếm 70,1% tổng số đồng bào DTTS. Để đến với ngày hội, huyện Trảng Bom đã thành lập đoàn với 57 thành viên là những hạt nhân trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của các đơn vị, địa phương trên địa bàn. Địa phương đã chọn lựa những tiết mục dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc nhất và các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, việt dã để tham gia.
Trong khi đó, 99 vận động viên của huyện Định Quán đã sẵn sàng cho ngày hội lớn, tham gia đầy đủ các hoạt động tại ngày hội. Đây là địa phương có 32 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 48 ngàn nhân khẩu, chiếm 26,6% dân số toàn huyện. Một số dân tộc như: Chơro, Mường, Khmer… đã xây dựng được các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa dân tộc, chùa) khang trang, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, luyện tập, giao lưu văn nghệ, thể thao cho bà con.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao các DTTS tỉnh Đồng Nai năm 2024 nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, từ đó giúp đồng bào các DTTS nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình. Đây cũng là dịp để đồng bào, các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tinh thần đoàn kết. Qua đó góp phần bảo tồn, quảng bá và lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thi đấu môn đi cà kheo tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai 2024
Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thi đấu môn đi cà kheo tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai 2024
Tạo điều kiện để đồng bào dân tộc phát huy văn hóa
Biểu diễn cồng chiêng là một trong những điểm nhấn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS tỉnh Đồng Nai. Văn hóa cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào DTTS từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với ông bà, tổ tiên.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã trang bị 16 bộ cồng, 15 bộ chiêng, 10 bộ chập chạ, 8 cái trống, 6 bộ ngũ âm, đàn tre, đàn tính… cho nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn các huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Đức Hòa cho biết, việc phục dựng lễ hội của đồng bào dân tộc, trong đó có các đội cồng chiêng, tổ chức tập luyện, truyền dạy cho người trẻ được địa phương quan tâm trong suốt nhiều năm qua. Việc làm này đã khơi dậy bản sắc văn hóa của đồng bào để mỗi người dân có ý thức tự bảo tồn, tự giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
“Tuy nhiên, để phát huy và lan tỏa rộng hơn văn hóa của đồng bào DTTS, trong thời gian tới, huyện Thống Nhất tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc cũng như Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 22-12-2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào về mặt chính sách, vật chất để bà con có điều kiện phát huy giá trị văn hóa” - ông Hòa nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung, nhiều năm qua, địa phương đã đẩy mạnh khôi phục, phát triển các giá trị văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc, phục vụ du lịch cộng đồng. Trong đó có xây dựng nhà dài truyền thống; duy trì Lễ hội Sayangva hàng năm, truyền dạy nhiều làn điệu dân ca, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, nghề đan lát mây tre… cho người trẻ. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc.