(CTT-Đồng Nai) - Hơn 10 năm gắn bó với phong trào nghệ thuật quần chúng của Đồng Nai, nghệ sĩ Trần Anh Thư, ngụ tại thành phố Biên Hòa đã và đang tích cực đóng góp, gìn giữ và lan tỏa âm nhạc Đồng Nai đến với cộng đồng.
Nghệ sĩ Trần Anh Thư biểu diễn trong chung kết Hội thi giọng ca tài tử, cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2024
Nghệ sĩ Trần Anh Thư biểu diễn trong chung kết Hội thi giọng ca tài tử, cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2024
Hơn 10 năm đến với nghệ thuật
Nghệ sĩ Anh Thư sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông bà ngoại và cha đều là nhạc sĩ, nghệ sĩ dòng nhạc cải lương ở Cà Mau. Khi còn nhỏ, chị đã được ông bà, cha hướng dẫn đàn, hát cải lương, để rồi tình yêu nghệ thuật ngấm vào máu thịt của chị lúc nào không hay. Vào những dịp lễ, Tết hay những cuộc họp mặt gia đình, bao giờ cả nhà chị cũng hát cải lương.
“Gia đình tôi có 4 anh chị em, trong đó có 2 người theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Tốt nghiệp phổ thông, tôi theo học âm nhạc tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cà Mau, sau đó tiếp tục theo học tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh và về Biên Hòa sinh sống, làm việc. Hơn 10 năm qua, tôi tham gia các hoạt động phong trào, biểu diễn nghệ thuật trên các sân khấu chuyên và không chuyên” - nghệ sĩ Anh Thư chia sẻ.
Có thời điểm, nghệ sĩ Anh Thư đầu quân về Đoàn Văn công Quân khu 7 và trở thành gương mặt trẻ triển vọng trên sân khấu. Những năm tháng sống và làm việc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp đã giúp cho chị sớm trưởng thành. Không chỉ bó hẹp ở dòng nhạc cải lương, nghệ sĩ Anh Thư còn tỏa sáng khi hát các ca khúc trữ tình về tình yêu quê hương, đất nước. Trong đó, chị đặc biệt yêu thích những ca khúc về Bác Hồ.
Nghệ sĩ Anh Thư quan niệm, nghệ thuật không chỉ là việc tạo ra cái mới, mà còn là việc nhìn thấy điều cũ từ một góc nhìn mới. Niềm vui của người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu là luôn đổi mới, sáng tạo để xuất hiện trước khán giả sao cho ấn tượng. Bởi vậy, dù biểu diễn những bài bản tài tử, cải lương, vọng cổ nổi tiếng hay hát những ca khúc trữ tình đã đi vào lòng người, bao giờ chị cũng tìm hiểu rất kỹ bối cảnh sáng tác, vùng đất, con người… để truyền cảm xúc, tạo sự rung cảm cho người nghe.
Để có thời gian dành cho các hoạt động nghệ thuật tự do, nghệ sĩ Anh Thư rời Đoàn Văn công Quân khu 7 về lại Biên Hòa, làm cộng tác viên cho các đơn vị nghệ thuật. Chị nhận nhiều show diễn, tham gia hầu hết các hội thi, hội diễn cải lương trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Trong đó phải kể đến các cuộc thi như: Ai rành 6 câu trên kênh VTV9; Ngôi sao tiếng hát đại dương, Giọng ca tài tử, cải lương tỉnh Đồng Nai… Đi nhiều, hoạt động nhiều đã tạo điều kiện cho chị gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ tên tuổi để học hỏi, nâng cao kỹ năng ca, diễn.
Nghệ sĩ Trần Anh Thư
Nhệ sĩ Trần Anh Thư
Âm nhạc dân tộc đang phát triển
Theo nghệ sĩ Anh Thư, đờn ca tài tử, cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung. Đây là bộ môn nghệ thuật rất “kén chọn” diễn viên, nhưng sự gần gũi, giản dị của âm nhạc, nghệ thuật qua tiếng đàn, lời ca của người nghệ sĩ lại trở thành những tác phẩm có hồn, có điệu làm say đắm lòng người.
Nghệ sĩ Anh Thư bộc bạch: “Nhiều người nói rằng, âm nhạc dân tộc đang dần bị mai một nhưng theo cảm nhận của tôi, nó đang phát triển. Rất nhiều người trẻ hôm nay đang chung sức “nối dài”, theo đuổi các loại hình nghệ thuật truyền thống, từ nhạc cụ đến biểu diễn. Và bản thân tôi, dù hoạt động nghệ thuật không chuyên nhưng khối lượng công việc khá nhiều, có khi tham gia không hết các chương trình”.
Sau mỗi buổi diễn, nghệ sĩ Anh Thư thường nán lại trò chuyện thêm với những người thầy, người bạn và các bậc tiền bối, bởi chị muốn biết, muốn học sâu hơn về nghệ thuật. Đó là cách giúp chị cập nhật kiến thức, biết thêm nhiều điều thú vị về đờn ca tài tử, cải lương mà sách vở không thể chuyển tải được.
Ngoài tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, nghệ sĩ Anh Thư còn tích cực đi diễn phục vụ bà con trong nhiều chương trình từ thiện trong và ngoài tỉnh. Những lúc rảnh rỗi, chị luôn sẵn sàng hướng dẫn những điều chị biết, chị hiểu về tài tử, cải lương cho bạn bè hay thanh thiếu niên muốn học và có đam mê với nghệ thuật truyền thống bởi đơn giản là chị muốn mọi người đến âm nhạc dân tộc ngày càng đông hơn.
“Cùng với học trong trường lớp, rất nhiều bài bản bộ môn tài tử, cải lương tôi học qua hình thức truyền miệng theo kiểu người biết dạy cho người chưa biết, rồi cứ thế nhân rộng... Tuy hiệu quả từ học truyền miệng mang lại chưa cao, song với tinh thần chung tay bảo tồn, lan tỏa nghệ thuật thì đó là cách làm rất đáng trân trọng. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn các sân chơi âm nhạc dân tộc ở Đồng Nai dành cho người trẻ tham gia” - nghệ sĩ Anh Thư nói.
Nói về Anh Thư, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Anh Thư có thế mạnh là giọng ca ngọt ngào, trong trẻo và gương mặt sáng. Với sức trẻ và tình yêu nghệ thuật truyền thống, tin rằng Anh Thư sẽ tiếp tục phát huy, gìn giữ tài tử, cải lương, có nhiều đóng góp cho hoạt động phong trào, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.