Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng Nai gìn giữ và phát huy tri thức dân gian

(CTT-Đồng Nai) - Tri thức dân gian (TTDG) hiểu là tri thức được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của các dân tộc, được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua thực tiễn lao động, sản xuất và thực hành xã hội.

Tại Đồng Nai, nhiều TTDG được truyền khẩu, truyền tay, được ghi nhớ và áp dụng trong đời sống thường ngày.

Đồng bào Chơro ở thành phố Long Khánh gìn giữ và phát huy giá trị cồng chiêng trong đời sống
Đồng bào Chơro ở thành phố Long Khánh gìn giữ và phát huy giá trị cồng chiêng trong đời sống

Đồng Nai sưu tầm, kiểm kê nhiều TTDG

Cũng bởi sự độc đáo và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của TTDG đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi dân tộc, mới đây Bộ VH-TTDL đã ghi danh nhiều TTDG vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nổi bật như tri thức may, mặc áo dài Huế được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là kinh đô cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong. Giai đoạn 1826-1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước, từ đó áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Với bề dày hơn 325 năm hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tích lũy và duy trì được kho tàng TTDG quý giá như: nhạc cụ, nhạc khí; trang phục, trang sức; ẩm thực các dân tộc, các bài thuốc dân gian… Mặc dù các tri thức này chưa được ghi danh vào danh mục di sản song đã được Bảo tàng Đồng Nai tổ chức sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu, phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Đối với các bài thuốc dân gian, Bảo tàng Đồng Nai đã sưu tầm, kiểm kê trong vùng đồng bào Mạ, Chơro, S’tiêng, Tày, Nùng, Hoa tại các huyện: Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu… Các bài thuốc được sắp xếp theo nhiều nhóm bệnh: nhóm bệnh thông thường (83 bài) gồm các bài thuốc chữa bệnh cảm cúm, viêm phổi, viêm họng, nhức răng, đau mắt; nhóm bệnh tiêu hóa (27 bài); nhóm bệnh của phụ nữ và trẻ em (34 bài); nhóm bệnh do tai nạn, hệ bài tiết, ngoài da (68 bài); nhóm bệnh hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, diệt động vật gây hại (39 bài); nhóm bệnh mãn tính, bệnh nan y (34 bài).

Nghề làm rượu cần của đồng bào Mường, xã Phú Túc, huyện Định Quán đã và đang được bảo tồn, phát huy
Nghề làm rượu cần của đồng bào Mường, xã Phú Túc, huyện Định Quán đã và đang được bảo tồn, phát huy

Đề xuất các giải pháp bảo tồn

Bên cạnh sưu tầm, biên soạn các bài thuốc dân gian, Bảo tàng Đồng Nai đã đánh giá thực trạng nguồn nguyên liệu, thực trạng sử dụng các bài thuốc dân gian, đội ngũ các thầy thuốc dân gian hiện nay ở Đồng Nai hiện nay. Trên cơ sở đó, bảo tàng đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị TTDG độc đáo này.

ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngoài việc xây dựng hồ sơ ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Sayangva của người Chơro, Đồng Nai cần nghiên cứu thêm một số di sản văn hóa phi vật thể trong đồng bào dân tộc. Trong đó, có nghề làm rượu cần của đồng bào Mường và những bài thuốc dân gian của người Chơro. Đây là những di sản văn hóa rất quý, cần được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ mai sau.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh, việc bảo tồn, phát huy giá trị các TTDG của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là việc làm rất cần thiết. Để di sản không bị mai một, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu các TTDG, lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TTDL ghi danh. Bên cạnh đó, tổ chức truyền dạy, đưa các di sản văn hóa phi vật thể trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với phát triển du lịch Đồng Nai.
Hòa Bình

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang