(CTT-Đồng Nai) - Đến với đờn ca tài tử (ĐCTT) bằng niềm đam mê và nhiệt huyết, những công nhân lao động ở Đồng Nai đã góp phần lan tỏa sức hấp dẫn và những giá trị độc đáo của bộ môn nghệ thuật truyền thống vùng đất Nam bộ.
Thứ 2 từ trái qua, công nhân Phạm Kiều Diễm, Thu Hồng (Công ty TNHH Pouchen Việt Nam) giao lưu đờn ca tài tử tại Long An năm 2024
Thứ 2 từ trái qua, công nhân Phạm Kiều Diễm, Thu Hồng (Công ty TNHH Pouchen Việt Nam) giao lưu đờn ca tài tử tại Long An năm 2024
Mê đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ
Làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa), chị Phạm Kiều Diễm được nhiều người biết đến với vai trò “nghệ sĩ” biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ quần chúng của tỉnh và khu vực. Mặc dù không được đào tạo nghệ thuật một cách bài bản nhưng với chất giọng trời phú, cùng khả năng biểu diễn linh hoạt đã giúp chị Kiều Diễm gặt hái được nhiều giải thưởng, huy chương tại các liên hoan, hội diễn đờn ca tài tử (ĐCTT) trong tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Chị Kiều Diễm cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bạc Liêu. Năm 2004, chị đến thành phố Biên Hòa làm việc tại Công ty Pouchen Việt Nam. Trong thời gian này, chị được người quen giới thiệu đến Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai sinh hoạt. Tại đây, chị được Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm câu lạc bộ, hướng dẫn học các bài bản tài tử, cải lương, cách luyến láy, vào nhịp… Đến nay, hầu như hoạt động biểu diễn ĐCTT, cải lương nào của tỉnh chị cũng đều tham gia.
“Từ một người nhút nhát, từ khi tham gia sân chơi ĐCTT tôi trở nên mạnh dạn, trưởng thành hơn. Tôi thích hát các bài bản tài tử về tình yêu quê hương, nó mộc mạc, trầm ấm, đậm tình đất tình người. Tôi may mắn khi được công ty tạo điều kiện thuận lợi về giờ giấc để tham gia các hoạt động. Không có hạnh phúc nào bằng khi đứng trên sân khấu, đưa lời ca, tiếng hát đến với mọi người, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, khu công nhân lao động” - chị Kiều Diễm nói.
Mặc dù không trực tiếp biểu diễn trên sân khấu song anh Lê Văn Bình (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) theo đuổi đam mê ĐCTT bằng cách học đờn và sáng tác các bài bản tài tử, cải lương. Năm 2017, anh tìm đến Nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi (ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) xin theo học.
Gần 8 năm qua, không chỉ biết đờn, anh Bình còn sáng tác được hàng chục bài bản tài tử, cải lương, vọng cổ và các điệu lý về quê hương, đất nước, con người Biên Hòa - Đồng Nai, trong đó có đối tượng công nhân lao động trong các công ty. Nhiều sáng tác của anh được dàn dựng, biểu diễn, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc của tỉnh, của địa phương đoạt nhiều giải cao.
Anh Bình chia sẻ: “Sáng tác bài bản tài tử không chỉ chuyển tải câu chuyện cuộc sống, sự đổi thay của xã hội hiện đại mà qua đó, tôi còn bày tỏ được tâm tư, tình cảm. Từ những bài bản mới này, các Nghệ nhân sẽ sử dụng, biểu diễn trong các hoạt động phong trào. Nhờ đó, ĐCTT Nam bộ ở Đồng Nai ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào đời sống”.
Góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới
Chị Kiều Diễm và anh Bình là 2 trong số rất nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đam mê ĐCTT, đưa lời ca tiếng hát đến với cộng đồng. Có thể kể đến các gương mặt nổi bật ghi dấu ấn trong lòng công chúng qua nhiều liên hoan, hội diễn như: anh Trần Văn Lực (làm việc tại Công ty TNHH Saitex, Khu công nghiệp Amata); chị Nguyễn Quỳnh Như (làm việc tại Khu công nghiệp Tam Phước); chị Đào Thị Trúc Ly (làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu); chị Thu Hồng (làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam)…
Theo Nghệ nhân Phạm Lơ, trong Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai có nhiều người trẻ là công nhân lao động tham gia sinh hoạt. Từ sân chơi này, nhiều người đã trưởng thành, tham gia các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn ĐCTT của người trẻ đã và đang tích cực giữ lửa cho phong trào văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới và động viên mọi người hăng say lao động sản xuất, xây dựng Đồng Nai ngày càng giàu đẹp.
Bằng đam mê và sự nỗ lực của các nghệ nhân, đặc biệt là sự đồng hành của những người trẻ, ĐCTT Nam bộ tại Đồng Nai đã và đang được bảo tồn, phát huy trong đời sống với một diện mạo mới. Đặc biệt, Đồng Nai đã có chương trình dài hơi, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể như: truyền dạy nghệ thuật ĐCTT; vận động sáng tác và tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật ĐCTT…