Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai

(CTT-Đồng Nai) - Dự thảo Xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, con đường sẽ kết nối tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu. Dự kiến con đường thực hiện trong 3 giai đoạn.

Người dân trải nghiệm xoay gốm trước di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa
Người dân trải nghiệm xoay gốm trước di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa

Giai đoạn 1 - năm 2024, sẽ tuyển chọn các phương án phù hợp về nội dung, hình thức, kinh phí đầu tư của địa phương. Giai đoạn 2 - năm 2025, phê duyệt dự án đầu tư và triển khai thiết kế thi công đoạn 1. Giai đoạn 3 - năm 2026, thực hiện thiết kế thi công phần còn lại, từ cầu Hóa An đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu.

Con đường di sản dài hơn gần 6.000m

Đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Biên Hòa cho hay, không gian để thực hiện Dự án Con đường di sản liên kết dạng điểm, bắt đầu từ khu vực Thành cổ Biên Hòa, kết nối tuyến đường Phan Chu Trinh và kéo dài đến giao lộ với đường Nguyễn Văn Trị. Dự kiến đây là khu vực giới thiệu, trưng bày hình ảnh, hiện vật, tư liệu về lịch sử, văn hóa, thành tựu trong lao động sản xuất thành phố Biên Hòa; sa bàn của dự án phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu khái quát về con đường di sản.

Toàn bộ con đường di sản gồm 2 phần. Phần 1 bắt đầu từ giao lộ đường Phan Chu Trinh - Nguyễn Văn Trị đến cầu Hóa An. Dự kiến có các hạng mục: tranh ghép gốm, bình phong… tái hiện thời kỳ cổ đại đến trung đại và trọng tâm là thời kỳ khai khẩn xứ Đàng Trong. Phần 2 bắt đầu từ cầu Hóa An, sử dụng không gian cảnh quan ven sông đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu với chiều dài khoảng 5.200m. Dự kiến sẽ tái hiện 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược; thành tựu lao động sản xuất, các đặc trưng văn hóa Nam bộ như: đờn ca tài tử, cải lương, ẩm thực…

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương cho biết, việc xây dựng con đường di sản cần tổ chức khảo sát thực tế, đưa ý tưởng, phương án lên truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Đây là việc làm cần thiết, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Các giai đoạn thực hiện Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai cần được tính toán kỹ, thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị…

Theo thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, Con đường di sản giống như công trình nghệ thuật nên khi xây dựng phải tính toán đến các điều kiện. Trong đó, phải có không gian văn hóa cho người dân đến vui chơi, thưởng lãm. Sau khi khảo sát mới tính đến lựa chọn phác thảo đặt ở những vị trí nào cho phù hợp… tạo điểm nhấn nổi bật, phù hợp với các thiết kế đã thực hiện như Con đường ánh sáng hay Đường hoa Nguyễn Văn Trị nhân dịp Tết đến, Xuân về.

Các em học sinh Trường tiểu học An Hảo, thành phố Biên Hòa trải nghiệm, tìm hiểu nghề gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai
Các em học sinh Trường tiểu học An Hảo, thành phố Biên Hòa trải nghiệm, tìm hiểu nghề gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai

Bảo tồn và phát huy nghề gốm Biên Hòa

Tiến sĩ Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết: “Ở Hà Nội có con đường gốm dài 5km và Biên Hòa góp vào con đường gốm ấy 50m. Gốm Biên Hòa có lịch sử lâu đời, hiện nay gốm có mặt ở hầu khắp các di tích, đình chùa, miếu mạo… trong và ngoài tỉnh. Việc xây dựng con đường gốm riêng của Biên Hòa - Đồng Nai là rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tất nhiên, Con đường gốm Biên Hòa phải khác con đường gốm ở Hà Nội”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, nghề gốm Biên Hòa có truyền thống lâu đời, hình thành từ thế kỷ XVIII và phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đến nay, do nhu cầu, thị hiếu của Nhân dân thay đổi, nghề gốm dần mai một, nghệ nhân gốm thưa dần, kỹ thuật gốm truyền thống đứng trước nguy cơ bị thất truyền.
 
Thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã nỗ lực đưa gốm Biên Hòa đến nhiều không gian công cộng, các di tích cũng như đưa gốm vào trường học. Không chỉ tổ chức triển lãm về gốm cho học sinh, đoàn viên, thanh niên tham quan mà từ các hoạt động, người trẻ, cộng đồng trên địa bàn thành phố còn được trải nghiệm xoay gốm, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của nghề truyền thống… Qua đó, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12/NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững.
 
“Xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, quảng bá thương hiệu gốm của Biên Hòa; đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật gốm truyền thống của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển. UBND thành phố Biên Hòa giao Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố tham mưu tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng dân cư trước khi thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận từ nhiều phía” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh nói.
Hòa Bình

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang