Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Di tích Nhà cổ Trần Ngọc Du, dấu ấn hữu nghị Việt - Nhật

(CTT-Đồng Nai) Kể từ năm 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ đàng Trong, lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định (huyện Phước Long với dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn) làm mốc, đến nay vùng đất Đồng Nai đã hơn 300 năm hình thành và phát triển với bề dày văn hóa của vùng đất mới phương Nam, trong hành trình đó, có những dấu ấn mang tên “hữu nghị”.
Gian chính của Nhà trên được bày trí rất công phu (Ảnh: Internet) 
Gian chính của Nhà trên được bày trí rất công phu (Ảnh: Internet) 

Từ di tích kiến trúc nghệ thuật bên bờ sông Đồng Nai

Từ trung tâm thành phố Biên Hòa theo đường Bùi Hữu Nghĩa về hướng chợ Đồn - Tân Vạn khoảng 4km, ta đến di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Trần Ngọc Du. Nằm ẩn mình bên dòng Đồng Nai thơ mộng, di tích chính là minh chứng cho lịch sử, văn hóa và loại hình kiến trúc nghệ thuật dân dụng - nhà ở.

Năm 1900, được sự chấp thuận của toàn thể gia tộc, ông Trần Ngọc Du nguyên là quan huyện đứng ra lo liệu việc xây cất ngôi nhà này. Ý tưởng về một ngôi nhà khang trang mặt hướng ra sông Đồng Nai - nơi có con đường mòn cặp bờ nối liền các điểm giao thương đến chợ Đồn đã hình thành trong đại bộ phận dòng tộc từ rất lâu. Sự lớn mạnh về điều kiện kinh tế cộng với địa thế, địa hình thuận lợi là yếu tố quyết định cho sự ra đời công trình. Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 2.700m2 phần đất hương hỏa của dòng tộc; tổng diện tích sử dụng khoảng 500m2 gồm các hạng mục nhà trên, nhà dưới, nhà bếp. Chúng được bố trí theo kiểu nhà sắp đọi (nhà trên, nhà dưới nối tiếp nhau, hay còn gọi là nhà chữ nhị). Thời gian xây dựng ngôi nhà kéo dài trong hai năm, bao gồm thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu và thi công. Việc thi công ngôi nhà cũng tuân thủ theo trình tự, theo nghi lễ “phát mộc, động thổ và thượng lương”. Tất cả diễn ra theo quy trình chặt chẽ với nghi thức dân gian. Riêng phần nội thất và trang trí (tủ, bàn ghế, phản gỗ, hoành phi, liễn đối) được tiến hành song song với việc hoàn tất các công đoạn lợp ngói, đóng vách buồng, kho lương thực, bếp và hệ thống cửa gỗ ra vào.

Toàn bộ khu nhà gồm nhà trên với ba gian hai chái, mái ngói âm dương, gạch lát nền. Hai chái nhà tương ứng hai buồng, hệ thống hoa văn trang trí được chạm thủng, chạm nổi rất tinh xảo, bày trí công phu, thể hiện óc thẩm mỹ của gia chủ gồm bàn thờ, bàn ghế cẩm thạch, bộ trường kỷ trổ thủng theo các đề tài dân gian cẩn xà cừ, đen bóng. Nguyên liệu được đặt mua từ Huế với bàn tay và khối óc lành nghề của những người thợ đến từ Bình Dương. Nhà dưới 1à kiểu nhà xuyên, mái ngói âm dương gồm 5 gian hai chái, nền gạch. Nhà có 48 cây cột gỗ căm xe được bố trí hài hòa trong tổng diện tích 200m2. Buồng đặt ở hai bên chái, buồng trái dành riêng cho các thành viên nữ trong gia tộc, buồng phải dành cho người ăn, kẻ ở. Các gian còn lại được dùng làm kho đồ, kho mắm muối. Các khu nhà trên kết nối với nhau chặt chẽ và tồn tại trong khoảng thời gian dài, và nó là niềm tự hào của toàn thể gia tộc về thành quả lao động của mình.

Đây là một trong số hơn 400 ngôi nhà tiêu biểu đánh dấu tiến trình hơn 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai. Hàng trăm năm qua, ngôi nhà như điểm xuyến cho vẻ đẹp thơ mộng của vùng quê Tân Vạn trù phú ngày nào. Trong sự hiện hữu của mình, nó không chỉ đơn thuần là sự tồn tại bên những ngôi nhà bình dị khác mà còn tỏa sáng những giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Sự hòa quyện những giá trị vật chất và tinh thần đã tạo cho ngôi nhà một nét đặc trưng, làm tôn thêm giá trị vốn có của nó giữa vùng đất Biên Hòa ngày nay.
 

Hệ thống cột chính của ngôi nhà (Ảnh: Internet) 
Hệ thống cột chính của ngôi nhà (Ảnh: Internet) 

​Đến dấu ấn hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản

Trải qua thời gian dài, với sự tác động của thiên nhiên và con người, di tích Nhà cổ Trần Ngọc Du đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trên, cũng là linh hồn của toàn bộ khuôn viên rất cần được khôi phục. Trân trọng những giá trị nhân văn, đồng thời mong muốn được lưu giữ nét kiến trúc nguyên bản của ngôi nhà; năm 2002, Tổ chức Văn hóa và Phục hồi văn hóa của Nhật Bản (JICA) phối hợp Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản (Showa Women’s University) đã tài trợ 800 triệu Việt Nam đồng để trùng tu và sửa chữa Nhà cổ Trần Ngọc Du. Trong suốt 2 năm, ngôi nhà đã được kiến trúc sư Akiyoshi Ejima cùng nhóm chuyên gia Nhật Bản trực tiếp thực hiện việc trùng tu, sửa chữa với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, kỹ lưỡng thông qua việc lấy từng mẫu gỗ đưa về Nhật Bản kiểm tra, thử nghiệm. Các bộ phận cấu tạo nên ngôi nhà đều được phục chế theo đúng nguyên bản. Đặc biệt, để giữ nguyên màu thời gian, các chuyên gia đã không sử dụng phương pháp đánh véc-ni để làm bóng. Nền nhà được làm lại bằng lớp bê tông dày và lát lại gạch kiểu xưa. Cửa trước được thay thế bởi hệ thống phên tre ốp (do hệ thống cửa cũ đã bị mất, hư hỏng) tạo không gian của các ngôi nhà xưa ở vùng quê Nam bộ.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật nhà ở, cùng với dấu ấn hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Nhà cổ Trần Ngọc Du đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 3524/QĐ-CT.UBND ngày 10/10/2005. Đây chính là nơi ghi dấu tình hữu nghị, tinh thần đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân Nhật Bản trên mảnh đất Biên Hòa, Đồng Nai hơn 300 năm hình thành và phát triển.
Bài: Trọng Tá - Ảnh (Internet)

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang