Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phát huy giá trị gốm cổ lòng sông Đồng Nai

(CTT - Đồng Nai) - Gốm cổ lòng sông Đồng Nai không chỉ giúp các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về những trầm tích văn hóa mà còn hiểu về đời sống của người dân bản địa trong chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.

Bộ sưu tập nhiều loại hình gốm
Những ngày giữa tháng 6, tại Di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Đồng Nai trưng bày và giới thiệu đến người dân, du khách hàng trăm hiện vật gốm xưa và nay. Trong đó có nhiều hiện vật gốm cổ được tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai, thu hút sự quan tâm của người trẻ.

Một số sản phẩm gốm cổ lòng sông Đồng Nai trưng bày tại di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Biên Hòa
Một số sản phẩm gốm cổ lòng sông Đồng Nai trưng bày tại di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Biên Hòa

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ những năm 1977, ngư dân đã phát hiện một số tượng đá cổ, đồ gốm, đồ đồng ở lòng sông Đồng Nai. Liên tiếp trong nhiều năm sau, ngư dân ven sông đã trục vớt được vô số đồ gốm với đầy đủ loại hình có men, không men, đồ sành sứ chủ yếu từ đoạn cù lao Rùa đến Bến Gỗ.
Hầu hết những sản phẩm gốm cổ lòng sông Đồng Nai trưng bày trong khuôn viên đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là những sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống của người xưa. Từ những chiếc bình, ché, vò, nồi, ấm, tách, lọ, đến bình vôi..., tất cả được làm từ đất sét mịn, được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay, một số bằng khuôn tay.

Các em học sinh tham quan gốm cổ lòng sông Đồng Nai trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
Các em học sinh tham quan gốm cổ lòng sông Đồng Nai trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Em Nguyễn Thị Bích Ngọc, học sinh Trường trung học phổ thông Nam Hà (thành phố Biên Hòa), cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tham quan triển lãm có nhiều gốm cổ sông Đồng Nai. Em rất ấn tượng. Các sản phẩm gốm cổ rất đa dạng, từ chất liệu, kiểu dáng đến chủng loại. Nhiều sản phẩm gốm có niên đại từ thế kỷ thứ VI cho đến thế kỷ thứ XIX được bảo quản kỹ”.
Nói về gốm cổ sông Đồng Nai, trong cuốn Văn hóa văn vật Đồng Nai, tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho rằng trong sưu tập gốm lòng sông có nhiều loại hình thuộc gốm Việt, Hoa, Chăm niên đại tương ứng với từng thời kỳ phát triển của cù lao Phố. Song những dấu tích gốm còn lại ở rạch Lò Gốm, cù lao Phố cho tới nay, qua nhiều đợt nghiên cứu, điều tra và khảo sát của các nhà khảo cổ học có nhiều cứ liệu nhất về truyền thống của gốm Đại Việt (Trung Bộ) và gốm Việt gốc Hoa (phỏng theo gốm Trung Quốc) đã được sản xuất nơi đây.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, sưu tập gốm lòng sông thực sự là một kho tàng cổ vật vô giá, là bằng chứng hùng hồn cho truyền thống làm gốm lâu đời của cư dân Đồng Nai. Bộ hiện vật giúp cho giới nghiên cứu khoa học những cứ liệu quan trọng về một nền văn minh cổ lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ sơ sử đến cận đại cần được khám phá, bảo tồn. Đặc biệt, vai trò quan trọng của sông Đồng Nai, trong đó có cảng cổ Biên Hòa - nơi giao lưu hàng hóa địa phương và các nước trong vùng vào nhiều thế kỷ trước đây.

Ứng dụng công nghệ bảo tồn gốm cổ
Các làng gốm cổ bao giờ cũng nằm ven sông. Bởi vậy, đi dọc sông Đồng Nai và nhiều dòng sông khác, dễ dàng nhìn thấy những lò gốm được xây dựng hai bên bờ sông. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, sông Đồng Nai là con sông duy nhất tìm thấy nhiều cổ vật với đủ chất liệu. Điều này khẳng định vai trò, vị trí và con đường huyết mạch của cư dân Nam Bộ trong việc khẩn hoang và định cư ở vùng đất mới phương Nam của Tổ quốc.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, những hiện vật gốm cổ lòng sông Đồng Nai cho thấy trình độ văn hóa của cha ông ta xưa. Với bàn tay khéo léo, người xưa đã sáng tạo thông qua nét vẽ, hoa văn, phối trộn đất sét với các nguyên phụ gia khác để thành những sản phẩm gốm độc đáo.
“Ngoài trưng bày gốm xưa và nay phục vụ người dân và du khách tại Di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, thời gian tới, bảo tàng tiếp tục tổ chức các triển lãm chuyên đề về gốm. Bảo tàng đã có kế hoạch tham gia Festival Gốm năm 2025, trong đó sẽ trưng bày sản phẩm gốm từ 2-3 tháng. Qua đó, giới thiệu ngành nghề truyền thống lâu đời của cha ông, quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai” - ông Nguyễn Việt Sơn nói.
Cùng với việc giới thiệu sản phẩm gốm cổ lòng sông Đồng Nai qua triển lãm, Bảo tàng Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa các hiện vật. Qua đó, lan tỏa rộng rãi di sản văn hóa trong cộng đồng, góp phần kết nối, phát triển du lịch.
Hòa Bình

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang