Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

(CTT - Đồng Nai) - Mùa hè là dịp trẻ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và đây cũng là thời điểm trẻ sử dụng internet và mạng xã hội nhiều hơn. Việc này khiến trẻ phải đối diện với những nguy cơ: lộ thông tin cá nhân, dễ bị lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật, bị bắt nạt, xâm hại, lừa đảo, tiếp cận với những thông tin xấu độc…

Internet trở thành nhu cầu không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay. Thay vì cấm đoán trẻ sử dụng internet một cách cực đoan, cha mẹ cần kiểm soát thời gian dùng internet của trẻ và trang bị cho trẻ khả năng miễn dịch trên môi trường số.

Không để trẻ sử dụng internet vô tội vạ
Mỗi ngày, em Nguyễn Thị Bảo Ngọc, học sinh lớp 6A3, Trường THCS Long Phước (huyện Long Thành) được cha mẹ “cấp phép” sử dụng internet 2-3 giờ. Tuy nhiên, em không sử dụng liên tục mà chia thành nhiều lần. Bảo Ngọc cho biết, em thường dùng thiết bị có kết nối internet để tìm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học; xem thông báo của cô giáo hoặc để giải trí sau khoảng thời gian học tập căng thẳng. Để giải trí, em thường lướt Facebook, TikTok để xem những đoạn video clip ngắn.
Thấy em sử dụng internet, mạng xã hội, cha mẹ em lo nên thường gửi cho em những video clip hướng dẫn cách sử dụng internet và mạng xã hội an toàn. Thường xuyên nhắc nhở em không lạm dụng internet và mạng xã hội; không xem những video clip không phù hợp lứa tuổi. Không kết bạn hoặc trò chuyện với người lạ. Không bấm vào đường link lạ. Không đăng tải thông tin, hình ảnh cá nhân lên nền tảng mạng xã hội. Không tham gia vào những cuộc tranh cãi trên mạng…
Con gái mới 6 tuổi nên chị Nguyễn Thị Linh, ở thành phố Biên Hòa cũng tìm cách để hạn chế con sử dụng internet. Hiện tại con chị thường sử dụng internet để xem phim hoạt hình, học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên nước ngoài, chơi game mang tính tư duy… Để hạn chế con sử dụng internet, mỗi ngày chị chỉ cho con sử dụng internet từ 1,5-2 giờ. Điều kiện chị đặt ra với con là khi muốn xem gì đều hỏi ý kiến chị, chị cho phép mới xem và xem hết tập phim thì không xem nữa. Trên ipad con hay dùng chị chỉ cài ứng dụng Youtube Kid, không cài ứng dụng Youtube, Facebook, TikTok. Bên cạnh đó, chị Linh mua thêm nhiều đồ chơi, khuyến khích con chơi với bạn để giải trí thay vì xem Ipad.
Theo ý kiến các chuyên gia, ngoài việc giám sát trực tiếp, phụ huynh cũng có thể sử dụng các ứng dụng, phần mềm để cài đặt giờ sử dụng, theo dõi những website trẻ đã truy cập, muốn truy cập, điều khiển máy tính của trẻ bằng smartphone, ghi lại những cuộc trò chuyện trên các trang mạng xã hội của trẻ… Qua đó biết được con trẻ đang làm gì, xem gì trên môi trường số để có sự can thiệp kịp thời.

Trang bị kỹ năng số cho trẻ em
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới đăng trên website: tongdai111.vn, cho thấy có khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11-15 tuổi bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần. Do đó, việc cha mẹ đồng hành, bảo vệ trẻ khi tham gia không gian mạng là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế không phải cha mẹ nào cũng có đủ nhận thức, kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn, đồng hành cùng con khi tham gia trên môi trường mạng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong trường hợp cha mẹ không thể hướng dẫn con thì có thể tìm đến các chuyên gia hoặc cho con theo học những lớp kỹ năng sống trên mạng... nhằm giúp trẻ có kỹ năng tham gia môi trường số.

Tỉnh đoàn tổ chức hội thi Tin học trẻ nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và internet cho thanh thiếu nhi
Tỉnh đoàn tổ chức hội thi Tin học trẻ nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và internet cho thanh thiếu nhi

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, để góp phần cùng với phụ huynh trang bị cho trẻ kỹ năng số, năm nay Tỉnh đoàn đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông và các đơn vị doanh nghiệp xã hội triển khai dự án xã hội liên quan đến an toàn thông tin hướng đến trẻ em. Để thực hiện dự án này, Tỉnh đoàn đã tuyển 100 tình nguyện viên là sinh viên, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Lực lượng này đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Những dấu hiệu nhận biết và đấu tranh đối với thủ đoạn lừa đảo liên quan đến trẻ em trên không gian mạng.
Tình nguyện viên sau khi tập huấn sẽ tham gia chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh đi về các khu vực vùng sâu vùng xa và đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho trẻ kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Đối với lực lượng thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ phụ trách việc tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh, trẻ em tại cộng đồng dân cư.
Hiện tại, Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức thí điểm 2 lớp tập huấn dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại thành phố Long Khánh tạo cơ hội để học sinh đã tìm hiểu về lợi ích của internet, mối nguy hại tìm ẩn trên internet, những hình thức lừa đảo qua mạng, bắt nạt trực tuyến và biết cách sử dụng internet một cách thông minh.
An Hạ

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang