(CTT-Đồng Nai) - Lợi dụng “cơn sốt” đất đang tăng cao, Bùi Vĩnh Tuấn (38 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) đã thành lập 3 công ty bất động sản rồi tự ý vẽ 4 dự án khác nhau tại huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa để bán cho hàng trăm khách hàng chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa vào ngày 5-12
Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa vào ngày 5-12
Với hành vi này, Tuấn đã bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lập 3 công ty, “vẽ” 4 dự án để lừa đảo
Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, để có tiền tiêu xài, từ năm 2017-2020, bị cáo Tuấn đã thành lập các công ty: CP Đầu tư xây dựng địa ốc Đại Tuấn Phát, CP Đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương, CP Tập đoàn Boss Land (đều đóng tại tỉnh Đồng Nai). Với danh nghĩa giám đốc các công ty này, Tuấn đã tiến hành mua lại các thửa đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm tại phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa); xã An Phước (huyện Long Thành).
Sau đó, Tuấn thuê đơn vị thi công đường nhựa, phân ra nhiều nền có diện tích từ 100m2, tự lập các dự án trên các khu đất này khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép rồi chỉ đạo nhân viên quảng cáo, rao bán dự án đất nền, cam kết đất ở và ra sổ riêng từng nền. Bằng thủ đoạn trên, Tuấn đã thành lập 4 dự án và thu tiền của nhiều bị hại rồi chiếm đoạt.
Cụ thể, Tuấn “vẽ” ra Dự án Khu dân cư Cát Tường (phường Tam Phước) với diện tích gần 10 ngàn m2. Từ tháng 3-2017 đến tháng 10-2021, Tuấn đã ký hợp đồng, thu tiền của 46 khách hàng và chiếm đoạt hơn 46 tỷ đồng. Đối với Dự án Khu dân cư Dragon City (phường Tam Phước) trên đất trồng cây lâu năm, từ tháng 7-2018 đến tháng 8-2020, bị cáo Tuấn đã ký hợp đồng, thu tiền của 48 khách hàng để chiếm đoạt gần 40 tỷ đồng. Đối với Dự án Eco City (xã An Phước) trên đất trồng cây lâu năm và Dự án Khu dân cư Sonata (xã An Phước), dù đất không thuộc quyền sử dụng của Tuấn nhưng bị cáo vẫn ký hợp đồng nhận tiền của 30 khách hàng để chiếm đoạt hơn 35 tỷ đồng (trong đó đã trả lại hơn 3,8 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 31 tỷ đồng). Tổng số tiền bị cáo Tuấn chiếm đoạt của 124 bị hại là hơn 122 tỷ đồng (đã trả hơn 17 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng).
Vào ngày 5-12, TAND tỉnh đã đưa vụ án ra xét xử và đã trả hồ sơ cho cơ quan công tố điều tra bổ sung để làm rõ một số nội dung như: xem xét hành vi của một số người liên quan trong vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm; làm rõ số tiền các bị hại đã bị chiếm đoạt vì số tiền bị hại khai tại phiên tòa khác với số tiền xác định trong hồ sơ vụ án…
Nhiều nạn nhân khốn đốn vì “sập bẫy”
Sau khi mua bất động sản tại các dự án của Tuấn “vẽ ra” thì nhiều bị hại đã như “ngồi trên đống lửa”. Có người mất tài sản dành dụm dưỡng già, có người lại mất đi số tiền ít ỏi đã tiết kiệm trong nhiều năm liền để mong có nơi “an cư lạc nghiệp”… Họ đều là những người chỉ vì tin tưởng sai người, không tìm hiểu rõ về tài sản muốn mua mà đã sớm rơi vào cảnh mất tiền, nợ nần chồng chất…
Đơn cử như ông T.P.N. (45 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) đến tham dự phiên tòa với nỗi bức xúc và lo lắng. Ông N. cho biết, rời quê đến Đồng Nai lập nghiệp, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn chỉ mong có thể tích cóp mua được thửa đất, xây căn nhà cho các con để không phải đi ở trọ. Năm 2017, nghe người quen giới thiệu về “Dự án Khu dân cư Cát Tường”, ông đã trực tiếp đến xem đất. Sau khi tìm hiểu và thấy đường sá khang trang, sạch đẹp, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, giá cả vừa túi tiền nên vợ chồng ông đã mua một lô đất với giá hơn 600 triệu đồng. Ngờ đâu, chỉ vì tin tưởng bị cáo Tuấn nên ông đã bị mất số tiền lớn.
“Đến dự phiên tòa xét xử, tôi chỉ mong có thể lấy lại được số tiền đã mất. Còn việc xét xử bị cáo nặng nhẹ như thế nào, tôi không còn tâm trí để suy nghĩ nữa” - ông N. cho hay.
Trong khi đó, có người trở bệnh vì suy sụp tinh thần khi mất hết số tiền lớn mà cả đời dành dụm. Bà N.T.M. (70 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), sau khi nghe tin mua nhầm “dự án ma” đã bị sốc, tinh thần sa sút và sức khỏe ngày càng yếu đi.
Bà M. kể, trong “cơn sốt đất” vào năm 2019, bà được nhiều người khuyên dùng số tiền tiết tiệm đầu tư sinh lời để có thêm tiền dưỡng già. Theo lời giới thiệu của người khác, bà đi tìm hiểu “Dự án Eco City” thì thấy có khả năng sinh lời nên đầu tư. Sau khi mua thửa đất hơn 1,7 tỷ đồng, chờ mãi không có giấy tờ nên bà tìm hiểu thì phát hiện đây là dự án do Tuấn tự “vẽ” ra. Bà M. cho hay, ở tuổi 70 mà tiết kiệm được số tiền lớn đó là công sức của suốt quãng đời còn trẻ. Giờ mất số tiền này, bà không biết phải sống ra sao.
Ngoài ra, còn hàng trăm bị hại ở nhiều nơi đến mua đất ở các dự án do Tuấn “vẽ” ra để rồi bị chiếm đoạt số tiền lớn. Chỉ vì lao vào “cơn sốt đất” mà bị cáo phải vướng vòng lao lý và đẩy các bị hại vào cảnh thiếu thốn, nợ nần chồng chất. Vụ án chính là bài học đắt giá cho người trong cuộc và cũng là lời cảnh tỉnh cho người khác khi bất chấp quy định pháp luật chỉ vì lòng tham.
Để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án và quyền lợi cho các bị hại, từ năm 2022, cơ quan điều tra đã gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh rà soát và tạm thời không cho giao dịch đối với các thửa đất do Bùi Vĩnh Tuấn và vợ đứng tên quyền sử dụng đất tại thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Đồng thời, tiến hành kê biên một số tài sản là quyền sử dụng đất do Tuấn được cấp quyền sử dụng tại thành phố Biên Hòa.