(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Lực lượng Công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng tại Việt Nam. Thế nhưng, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt.
Qua tổng hợp của cơ quan chức năng, hầu hết các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mạo danh, giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự.
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian tới, Công an tỉnh đang triển khai giải pháp “4 không, 2 phải”. Giải pháp đầu tiên là không sợ, các đơn vị chức năng sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng trực 24/7, khi người dân có dấu hiệu bị đe dọa có thể kết nối liên hệ ngay. Thứ hai, là không tham. Thứ ba, không kết bạn với người lạ. Thứ tư, là không chuyển khoản nếu không biết rõ người mình đang giao tiếp là ai. Còn "02 phải" là phải cảnh giác và phải trình báo sớm nhất.
Một số thông tin về nhận diện tội phạm:
1. Tội phạm thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân khiến nạn nhân sợ hãi.
2. Thông thường đối tượng sử dụng số điện thoại hầu hết (khoảng 6,7 số cuối) giống với các số điện thoại công khai của các Cơ quan. Tuy nhiên, đầu số thường là đầu số lạ (+00, +01…) do đối tượng sử dụng các dịch vụ của nước ngoài.
3. Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai (kể cả người thân trong gia đình), mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết.
4. Đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng, ngụy trang lý do để phục vụ công tác xác minh, điều tra. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, nếu không liên quan vụ án sẽ trả lại.