(CTT-Đồng Nai) - Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường tuần tra, kiểm tra tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán động vật rừng. Nhiều trường hợp vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần vào công tác quản lý bảo vệ rừng được đảm bảo.
Các tang vật liên quan tàng trữ động vật hoang dã đã được lực lượng chức năng thu giữ.
Các tang vật liên quan tàng trữ động vật hoang dã đã được lực lượng chức năng thu giữ.
Ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm
Theo Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, trong thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuần tra, chốt trực và kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp đối tượng xâm nhập vào rừng săn bắt động vật rừng trái phép.
Tháng 5-2024, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu tổ chức tuần tra rừng. Trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối tượng V.V.L. (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đang sử dụng súng để săn bắt động vật rừng trái quy định của pháp luật. Tang vật thu giữ gồm: 1 cá thể cheo cheo, 1 cá thể lợn rừng, 1 khẩu súng, 6 viên đạn. Vụ việc đã được lập hồ sơ vi phạm và chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đã tuần tra, phát hiện, tháo gỡ, phá bỏ tại rừng gần 2,3 ngàn sợi bẫy các loại; 49 bẫy kẹp và bẫy lò xo; 57 bẫy chồn, bẫy khỉ và lồng bẫy sóc; 831m bẫy vòng và 692m lưới bẫy; 29 đú khô và đú nước; 21 chòi tạm…
Mới đây nhất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất và ngăn chặn một đối tượng có hành vi nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán động vật rừng trái phép với quy mô lớn.
Theo đó, sáng 9-8-2024, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Biên Hòa và Công an phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) tiến hành kiểm tra tại địa chỉ số 157/5, khu phố 9, phường Tân Biên. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện ông Phạm Chí Trung (39 tuổi) đang nuôi nhốt một cá thể cầy vòi hương và tàng trữ nhiều lâm sản (động vật rừng) trái pháp luật. Trong đó có 14 cá thể cầy vòi hương có tổng trọng lượng 19kg, 11 cá thể cầy giông có tổng trọng lượng 13kg, 18 cá thể dúi có tổng trọng lượng 15kg, 7 cá thể cheo cheo và 8 cá thể mèo rừng có trọng lượng 14kg. Tổng trọng lượng của các cá thể động vật rừng này là 61kg và tất cả đã chết.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Phạm Chí Trung thời gian qua đã sử dụng mạng xã hội để hoạt động mua, bán rồi nuôi nhốt động vật hoang dã trái quy định của pháp luật. Sau một thời gian theo dõi, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quyết định kiểm tra đột xuất để ngăn chặn hành vi vi phạm trên.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Chí Trung không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc động vật rừng hợp pháp. Hiện vụ việc đã được cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản vi phạm, thu giữ các tang vật liên quan và sẽ tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai Trần Đình Hùng cho biết, diện tích rừng do Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý rộng, ranh giới tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước là dòng suối Mã Đà và sông Bé. Vào mùa khô, những dòng sông, suối này cạn nước và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng xâm nhập vào rừng để thực hiện các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.
Mặt khác, một bộ phận người dân sinh sống trong các cụm dân cư nằm tiếp giáp hoặc rải rác trong rừng có trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Các đối tượng rất manh động, sẵn sàng tấn công, chống trả khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và truy bắt. Đây là một trong những mối nguy hiểm mà lực lượng kiểm lâm thường xuyên phải đối mặt. Tuy nhiên, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuần tra, ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm, giúp công tác bảo vệ động vật hoang dã được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn phát hiện 6 khẩu súng các loại cùng 6 viên đạn, hiện đã giao nộp cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật. Hạt kiểm lâm của đơn vị cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp 5 khẩu súng, 2 dao tự chế; yêu cầu 17 trường hợp làm cam kết không vào rừng trái phép và tuyên truyền, vận động hơn 1 ngàn lượt người ra khỏi rừng.
Ông Ngô Văn Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường nắm bắt tình hình, tuần tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các khu vực trọng điểm. Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được phát hiện, xử lý kịp thời.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã phát hiện 126 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2017 (70 vụ kiểm tra đột xuất và 56 vụ nhận chuyển giao từ các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng). Trong đó, các lỗi vi phạm gồm: khai thác rừng và phá rừng trái pháp luật; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tàng trữ, mua bán lâm sản trái pháp luật... Các cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 99 vụ với số tiền trên 940 triệu đồng. Tang vật vi phạm tịch thu gồm: 28,915m3 gỗ, 142 cá thể động vật rừng và hơn 1,1 tấn lâm sản ngoài gỗ. Ngoài ra, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự một vụ khai thác rừng trái pháp luật (chưa xác định được đối tượng vi phạm).
UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động thực hiện chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” sẽ diễn ra từ tháng 8-2024 đến tháng 3-2025. Mục tiêu của chuỗi hoạt động nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trái phép và phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành một trong những địa phương tiên phong trong việc không sử dụng động vật hoang dã trái phép trên cả nước…