(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai đang quản lý 18 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong giai đoạn 2020-2024, tình hình đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động kiểm tra, hậu kiểm được thực hiện với nhiều hình thức.
Phó Giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm
Phó Giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm
Ngày 13-11, Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về ATTP năm 2024 với chủ đề “Đánh giá thực trạng về vấn đề ATTP trên địa bàn tỉnh”.
Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), lãnh đạo các Sở, ban, ngành, phòng y tế, trung tâm y tế các địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, riêng năm 2024, các ngành chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, hậu kiểm hơn 17,1 ngàn cơ sở. Trong đó có 91,1% số cơ sở đạt yêu cầu; hơn 1,5 ngàn cơ sở vi phạm. Các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính hơn 900 cơ sở với tổng số tiền gần 4,6 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong năm 2024 xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 657 người mắc, 1 người tử vong.
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Công an tỉnh và Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã có bài tham luận. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về quản lý an toàn thực thực phẩm, xử lý vi phạm về ATTP, đảm bảo ATTP bếp ăn công nghiệp…
Thạc sĩ Võ Thị Ngọc Lắm, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh nhấn mạnh, những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đảm bảo ATTP và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác đảm bảo ATTP. Hành lang pháp lý về ATTP từng bước được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản về yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP hiện vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó thách thức lớn nhất là vấn đề ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn.
Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, sự tự giác, ý thức trách nhiệm của những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và sự lựa chọn thực phẩm sáng suốt của người tiêu dùng.