(CTT-Đồng Nai) - Tại Hội thảo khoa học về Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức mới đây, các đại biểu đã phân tích, đánh giá và đặt ra nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và PGS-TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, đồng chủ trì hội thảo
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và PGS-TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, đồng chủ trì hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhận xét, công tác phòng chống tội phạm (PCTP) trong thời gian gần đây đạt nhiều kết quả tích cực, đã có nhiều thay đổi rõ nét so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nguy hiểm có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra còn ở mức cao.
Phải có giải pháp để đảm bảo ANTT
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, từng cơ quan, đơn vị, địa phương chú ý lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền phải truyền tải đầy đủ thông tin pháp luật đến cán bộ, người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo ông Phan Quang Tuấn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và sử dụng hiệu quả các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử để nội dung tuyên truyền đến được với đông đảo người dân. Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Bàn về các giải pháp trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho rằng, trong thời gian tới, cần chú trọng công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; bảo vệ ANTT và các phong trào khác của Đảng, Nhà nước.
“Thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tiếp tục quan tâm, xây dựng lực lượng nòng cốt giữ gìn ANTT ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt cho Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của các vị chức sắc các tôn giáo, các vị già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong PCTP, tệ nạn xã hội, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư” - ông Vũ Đình Trung cho biết.
Huy động cả hệ thống chính trị đảm bảo an ninh trật tự
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cấp ủy rà soát, đánh giá lại các biện pháp PCTP đã triển khai thực hiện ở từng đơn vị, địa phương còn yếu kém, hạn chế ở chỗ nào để chấn chỉnh ngay. Chính quyền các địa phương phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTP.
Đặc biệt, đối với Đảng ủy Công an tỉnh, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tấn công trấn áp mạnh mẽ đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, môi trường và tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục phát huy tối đa vai trò tham mưu của lực lượng công an cơ sở đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn, đảm bảo các vấn đề phức tạp cơ bản đều được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở.
Lực lượng công an phối hợp với chính quyền các địa phương, tổ chức nhân rộng các mô hình PCTP có hiệu quả; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, tổ nhân dân ở cơ sở nhằm đủ sức làm nòng cốt cho Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định công tác PCTP là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp ủy Đảng. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội mà chậm giải quyết thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.