(CTT-Đồng Nai) - Giải ngân vốn đầu tư công chậm đang là một trong 2 “nút thắt” chính ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2024.
Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh hiện đang bị chậm tiến độ dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp. (Ảnh thi công dự án đường ven sông Cái).
Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh hiện đang bị chậm tiến độ dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp. (Ảnh thi công dự án đường ven sông Cái).
Không thể chậm hơn được nữa
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định… Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 7,3%, đây là mức tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng gần 6%, sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng hơn 8,5%, dệt tăng gần 6%; may mặc tăng gần 8%... Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn phát triển ổn định. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13%, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú tăng 19%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng hơn 32%.
Tính đến cuối tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 40 ngàn tỷ đồng, đạt 72% dự toán trung ương giao và 71% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11% so cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư (bao gồm chấp thuận nhà đầu tư thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) và điều chỉnh tăng vốn hơn 4,2 ngàn tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút vốn FDI đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình, dự án trọng điểm là những “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, tính đến ngày 22-8, toàn tỉnh đã giải ngân gần 5,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 34% kế hoạch (tính theo số Thủ tướng giao kế hoạch thì tỷ lệ giải ngân đạt 55%).
Đánh giá về tiến độ thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, hiện nay, so với cả nước thì Đồng Nai đang quá chậm. “Đối với Đồng Nai thì không thể nào để chậm hơn được nữa, nhất là công tác giải phóng mặt bằng”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cũng cho rằng, thời gian còn lại của năm 2024, các đơn vị liên quan phải đặt quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn.
Xây dựng lại đường găng giải ngân nguồn vốn
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức. Trong đó, 2 “điểm nghẽn” lớn là tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm. “Hiện Đồng Nai đừng thứ 52 trên 63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ các dự án giao thông liên tỉnh như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh thì các địa phương khác có khối lượng xây lắp rất lớn thì Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Một vấn đề nổi lên khiến cho tiến độ các công trình, dự án trọng điểm bị chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp là công tác phối hợp giữa các đơn vị. Lấy dẫn chứng tại dự án xây dựng Khu tái định cư Long Phước để phục vụ Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với đơn vị kiểm lâm nên phải mất 6 tháng mới có thể thanh lý được rừng tràm phục vụ xây dựng. “Dự án cầu Phước An cũng vậy, chuyển đổi một diện tích nhỏ rừng nhưng cũng làm rất lâu. Công tác phối hợp giữa các đơn vị thời gian qua là rất yếu kém”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, bên cạnh công tác phối hợp, các ban quản lý dự án của tỉnh cũng phải xem xét lại vai trò điều hành của mình. “4 công trình hạ tầng xã hội tại Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn không vướng mặt bằng, có đủ tiền mà vẫn chậm tiến độ”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nêu vấn đề.
Chính vì vậy, để thúc đẩy tiến độ các dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng lại đường găng giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình theo từng tuần, tháng từ nay đến cuối năm để theo dõi, đôn đốc tiến độ giải ngân.