Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022, giải pháp Phân lập meo giống nấm rơm lâu bung dù tại Tổ hợp tác meo giống Lộc An của tác giả Nguyễn Thị Liên (xã Lộc An, H.Long Thành) đã xuất sắc đạt giải nhì (không có giải nhất).
Meo giống nấm rơm của hợp tác xã Lộc An, H.Long Thành
Meo giống nấm rơm của hợp tác xã Lộc An, H.Long Thành
Meo giống nấm rơm cũ có nhiều hạn chế
Gắn bó với nghề làm nấm rơm lâu năm, chị Nguyễn Thị Liên, Tổ Hợp tác meo giống nấm rơm Lộc An (tổ 1, ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành) nhận thấy nguồn giống trong việc sản xuất và nuôi trồng nấm rơm đóng vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng nấm thành phẩm. Tuy nhiên, nguồn meo giống nấm truyền thống mà hợp tác xã nơi chị làm việc và người dân địa phương sử dụng lâu nay có rất nhiều hạn chế.
Chị Nguyễn Thị Liên cho hay, meo giống nấm rơm cũ cùi mỏng, quả thể nhỏ, năng suất hạn chế và đặc biệt là nhanh bung dù gây nhiều bất lợi trong khâu thu hoạch cho người trồng nấm. Người nông dân có khi phải canh thức cả đêm để hái nấm vì nếu chậm trễ, nấm có thể bung dù trong đêm dẫn đến mẫu mã và chất lượng nấm không cao.
Do vậy, chị Liên cùng cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu với mục đích tạo ra nguồn meo giống mới để giúp bà con nông dân có nguồn meo giống tốt nhất, cho năng suất vượt trội, không kén nguyên liệu, giảm chi phí thu hái, quả thể mẫu mã đẹp, to, nặng cân đáp ứng được nhu cầu của khách hàng không bị tiểu thương ép giá.
Nấm rơm phát triển cho năng suất cao nhờ meo giống nấm tốt
Nấm rơm phát triển cho năng suất cao nhờ meo giống nấm tốt
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Sau một thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, chị Liên đã tạo ra nguồn meo giống nấm mới được sản xuất bằng bông vỏ hạt (tận dụng nguồn thải của bông vải sợi Cotton 100% trong nhà máy sợi) và vỏ trấu.
Đến nay, dự án meo giống nấm rơm của chị Liên đã thành công khi thuần chủng được nguồn meo giống mới theo nhiệt độ, khí hậu Việt Nam. Từ đó, chị bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh meo nấm ra ba miền Bắc –Trung – Nam, trong đó tập trung vào các thị trường tiềm năng là TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Tây Ninh – là nơi có nghề sản xuất nấm rơm xuất khẩu cực lớn sang Campuchia và các nước lân cận.
Cũng theo chị Liên, để giới thiệu được nguồn meo nấm giá trị này đến các hộ dân, ngoài việc giới thiệu và bán hàng qua các kênh mạng xã hội, chị cũng cho giới thiệu meo giống bằng cách trực tiếp sản xuất 23 trại nấm vừa và nhỏ tại cơ sở. Đồng thời, mở rộng thị trường bằng cách đưa khách hàng tham quan mô hình và hướng dẫn sử dụng meo giống tốt nhất theo với khí hậu và nhiệt độ Việt Nam.
Quá trình mở rộng thị trường, hầu hết khách hàng của chị đều có những phản hồi tích cực. Giống meo mới do chị Liên nghiên cứu không chỉ có ưu điểm vượt trội về chất lượng, năng suất mà giá cả chị đưa ra thị trường cũng rất cạnh tranh. Nếu như meo giống nấm rơm trên thị trường đang có giá dao động trên 20 ngàn đồng/kg thì giá meo giống nấm của trại meo Lộc An chỉ từ 16-17 ngàn đồng/kg.
Trong thời gian tới, chị Nguyễn Thị Liên mong muốn có thể mở rộng và chiếm lĩnh thị trường meo giống nấm rơm trong cả nước, đặc biệt là khu vực các vựa nấm ở miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, lâu dài hơn nữa là sẽ mở rộng thị trường sang Thái Lan và Campuchia.
Chị Liên nhận thấy, ngoài những ích lợi trực tiếp về chất lượng và năng suất mà nguồn giống meo mới mang lại thì dự án này cũng giúp giảm công thu hái (do không phải thức đêm canh hái nấm), mang lại lợi nhuận cho nông dân. Khi đã có nguồn giống tốt người nông dân có thể tận dụng các nguồn nguyên liệu thải ra của nền nông nghiệp tại địa phương như rơm rạ, cây chuối khô, bã mía, cùi bắp, vỏ hạt cafe, thân cây đậu nành.... để trồng nấm rơm. Qua đó, góp phần thay đổi đời sống kinh tế, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương.